|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: EIB dẫn đầu tăng giá với thanh khoản 'đột biến', OCB sắp phát hành hàng trăm triệu cp tăng vốn

14:48 | 27/08/2022
Chia sẻ
Thanh khoản của EIB đã tăng vọt lên 25,7 triệu đơn vị, cao gấp hàng chục lần tuần trước khi xuất hiện các giao dịch thỏa thuận "khủng". OCB sắp phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 30%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng.

EIB dẫn đầu tăng giá với thanh khoản '"đột biến"

Trong tuần qua, (22/8 - 26/8), sắc xanh chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 18 mã tăng giá, 7 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu.

Cụ thể, EIB là mã ngân hàng tăng giá tốt nhất tuần qua (+5,1%), chủ yếu nhờ vào phiên giao dịch đột biến cuối tuần. Riêng trong phiên này, EIB đã tăng 4,3% với thanh khoản trên thị trường khớp lệnh đạt gần 1,8 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 vừa qua. Kết tuần, EIB dừng ở mức 31.200 đồng/cp.

Xếp sau đó là KLB và SSB với mức tăng lần lượt là 4,7% và 3,7%, ngoài ra không còn cổ phiếu ngân hàng nào khác tăng trên 3% trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn như MBB, VCB, TCB, VPB có mức tăng dao động từ 1 - 2,6%; BID, CTG hay HDB tăng chưa tới 1%.

Ở chiều ngược lại, BAB là mã điều chỉnh nhiều nhất trong tuần qua, song mức giảm chỉ là 1,7%. 2 mã đứng tham chiếu là TPB và STB, kết tuần lần lượt tại mức 28.400 đồng/cp và 25.100 đồng/cp.

 

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).  

 

Trong tuần, có 578 triệu cổ phiếu được giao dịch, giảm 7,3% so với tuần trước đó; giá trị giao dịch tương đương đạt 13.569 tỷ đồng, giảm 8,4%.

Sự điều chỉnh xảy ra khi SHB, mã đứng đầu về thanh khoản trong nhiều tuần trở lại đây, ghi nhận khối lượng giao dịch giảm mạnh 35% xuống còn 77 triệu đơn vị. Dù vậy, SHB vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thanh khoản trong tuần này. Xếp sau đó là VPB, cũng có sự điều chỉnh, từ 80,1 triệu cp giảm xuống còn 68,3 triệu cp.

Đáng chú ý, khối lượng giao dịch của EIB đã tăng vọt lên 25,7 triệu đơn vị, cao gấp hàng chục lần tuần trước khi xuất hiện các giao dịch thỏa thuận "khủng". Trong 2 phiên cuối tuần, khối lượng giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu này lần lượt là 12,4 triệu và 9 triệu đơn vị, chiếm hơn 83% thanh khoản cả tuần.

Tương tự, MSB cũng chứng kiến những giao dịch thỏa thuận lớn, qua đó,khối lượng giao dịch tăng vọt từ 11,6 triệu lên 54,6 triệu đơn vị.

 Mặt khác, xét về giá trị giao dịch, VPB lại là mã đứng đầu toàn ngành với mức 2.156 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất có giá trị giao dịch đạt trên 2.000 tỷ đồng tuần qua.

Trong tuần này, cổ phiếu ngân hàng không phải tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này mua ròng nhiều nhất là SHB với giá trị chỉ hơn 41 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại đã bán ròng 62 tỷ đồng VCB.

Có động thái tương tự, khối tự doanh chỉ mua ròng nhiều nhất 5,6 tỷ đồng BID trong tuần qua; trong khi đó bán ròng 37 tỷ đồng TCB và 29 tỷ đồng STB.

 

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).  

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

OCB thông qua nghị quyết triển khai tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên 17.884 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) với tổng giá trị phát hành là 50 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 0,365% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm chuyển nhượng 25%. 

BIDV thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản là khoản nợ của CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi, thế chấp bằng Nhà máy thủy điện Đăk Psi tại Kon Tum và Công ty TNHH Hoàng Nhi. Tổng giá trị hai khoản nợ lần lượt là 572 tỷ đồng và 430 tỷ đồng. 

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn gần 11,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng hơn 522.500 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Tiền gửi của người dân tăng hơn 300.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay một phần do các ngân hàng cũng đua nhau tăng lên suất huy động lên mức cao

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu chậm nhất là đầu tuần sau thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cung ứng vốn cho nền kinh tế. 

 

 

Lê Huy