Tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng hơn 300.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn gần 11,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng hơn 522.500 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 3,61% so với cuối năm 2021, tương đương tăng 203.611 tỷ đồng. So với cuối tháng 5, tiền gửi của TCKT tăng 41.996 tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư cuối tháng 6 tiếp tục tăng 50.468 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 318.948 tỷ so với cuối năm 2021, tương đương tăng 6,02%.
Tiền gửi của người dân liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm nay một phần do các ngân hàng cũng đua nhau tăng lên suất huy động lên mức cao đi kèm các ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút tiền quay trở về hệ thống.
Trong tháng 5, nhiều ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động như tại CBBank, ngân hàng tăng đồng loạt 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6 - 60 tháng. Đối với kỳ hạn 12 tháng, CBBank triển khai lãi suất 7,45%/năm cho khách hàng đăng ký gửi tiết kiệm.
CBBank cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm online từ 6 tháng trở lên đồng loạt tăng 0,3 điểm % so với trước. Lãi suất tiền gửi online cao nhất lên đến 7,55%/năm, triển khai tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Các ngân hàng khác điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng thời gian gần đây còn có OceanBank, Dong A Bank, VPBank, OCB, VIB, ABBank, và LienVietPostBank. Đáng chú ý, "ông lớn" Vietcombank đã tăng thêm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2 điểm % tại một số kỳ hạn, trước đó là BIDV và VietinBank.
Báo cáo vĩ mô mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết trong tháng 8, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,5 điểm tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay đã được nhiều NHTM cổ phầnn điều chỉnh tăng 0,8-1 điếm %.
Các chuyên gia cho rằng mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Thanh khoản sẽ phụ thuộc vào động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước như thời điểm nâng hạn mức tín dụng của các NHTM, cũng như hoạt động trên thị trường mở, và công cụ bán ngoại tệ.
Ngoài ra, VCBS vẫn duy trì quan điểm lãi suất huy động chịu áp lực tăng.Từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn với mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1-1,5 điểm % cho cả năm 2022.