Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Điểm nhấn STB
Vốn hóa toàn ngành giảm gần 20.800 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (8/6 - 12/6), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 950.554 tỉ đồng, giảm gần 20.800 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 5/6), tương ứng giảm 2,1%.
Tuần qua, vốn hóa một loạt ngân hàng giảm mạnh như Vietcombank (giảm hơn 12.600 tỉ đồng), VietinBank (giảm gần 4.300 tỉ đồng), VPBank (giảm hơn 3.400 tỉ đồng), ACB (giảm hơn 1.160 tỉ đồng)..
Đóng cửa ngày 12/6, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, ở mức 317.480 tỉ đồng và bỏ xa hai ngân hàng đứng kế sau là BIDV (vốn hóa 170.936 tỉ đồng) và VietinBank (vốn hóa 86.755 tỉ đồng).
Với mức vốn hóa hiện tại, Vietcombank tiếp tục đứng trên Vingroup (vốn hóa 310.507 tỉ đồng) và là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.
Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.908 tỉ đồng, 3.527 tỉ đồng và 3.075 tỉ đồng.
STB dẫn đầu tăng giá
Tính chung trong 5 ngày giao dịch tuần qua, số lượng cổ phiếu ngân hàng giảm giá chiếm áp đảo với 11/18 mã. Trong đó, VPB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất ngành (5,7%).
Ngoài VPB, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm giá tương đối mạnh trong tuần như CTG giảm 4,7%, TPB giảm 4,3%, VCB giảm 3,8%,...
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua. Trong đó, thị giá STB tăng mạnh nhất (11,8%). Ngoài STB, hai mã tăng giá trong tuần qua gồm có EIB (tăng 1,1%) và BID (tăng 1%).
4 mã đứng giá trong tuần gồm có VBB, SHB, KLB và BAB.
STB chiếm hơn 1/4 thanh khoản toàn ngành
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có tổng cộng gần 467,4 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 8.551 tỉ đồng; tăng 1,6% về khối lượng và tăng gần 7,2% về giá trị so với tuần trước.
Tuần qua, STB là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần 132,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 1.507 tỉ đồng. Như vậy, riêng khối lượng giao dịch của STB chiếm hơn 1/4 thanh khoản toàn ngành.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là MBB với hơn 45,9 triệu cp, LPB gần 43,3 triệu cp, TCB hơn 39,2 triệu cp, CTG gần 38,4 triệu cp...
Ở chiều ngược lại, KLB, BAB và VBB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 44.400 cp, 12.800 cp và hơn 1.200 cp.
Thanh khoản TCB, VCB và STB tăng mạnh
Tuần qua, chỉ 8/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản KLB tăng mạnh nhất với gần 44.400 cp được trao tay, gấp hơn 14 lần khối lượng giao dịch trong tuần trước.
Bên cạnh KLB, thanh khoản của nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng trên 50% như TCB (39,2 triệu cp, gấp 2,2 lần tuần trước), VCB (hơn 7,8 triệu cp, tăng 87,6%), STB (gần 132,2 triệu cp, tăng 85,1%), NVB (hơn 20,1 triệu cp, tăng 78,9%)....
Ngược lại, có tới 10/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch của BAB giảm hơn 99% với chỉ 12.800 cp được mua bán. Cùng với BAB, thanh khoản của VBB, EIB, SHB và LPB cũng giảm hơn 20% trong tuần.
Giao dịch thỏa thuận khủng tại TCB
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 411,6 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 7.295 tỉ đồng, chiếm 88% về khối lượng và 85% về giá trị.
Gần 55,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.255 tỉ đồng. Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 24,5 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm 44% lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch thỏa thuận trong tuần.
Bên cạnh TCB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại EIB (hơn 13,3 triệu cp), NVB (hơn 6,5 triệu cp), VCB (hơn 3 triệu cp), HDB (2 triệu cp)...