Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: CTG và VCB bật tăng, vốn hóa toàn ngành vượt 900.000 tỉ đồng
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 34.200 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (18/5 - 22/5), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 903.150 tỉ đồng, tăng hơn 34.227 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 15/5), tương ứng tăng 3,9%.
Tuần qua, vốn hóa của nhiều ngân hàng đều ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Trong đó, vốn hóa Vietcombank tăng gần 18.500 tỉ đồng, VietinBank tăng gần 7.100 tỉ đồng, BIDV tăng hơn 2.800 tỉ đồng, Techombank tăng 2.800 tỉ đồng....
Đóng cửa ngày 22/5, Vietcombank, BIDV và VietinBank tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, lần lượt ở mức 300.419 tỉ đồng, 158.065 tỉ đồng và 84.894 tỉ đồng. Tổng vốn hóa thị trường của ba ngân hàng gốc quốc doanh này đạt gần 543.400 tỉ đồng, chiếm hơn 60% vốn hóa toàn ngành.
CTG dẫn đầu tăng giá
Tính chung trong 5 ngày giao dịch tuần qua, số cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm áp đảo với 14/18 mã. Trong đó, CTG là mã tăng mạnh nhất ngành (9,1%).
Ngoài CTG một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh trong tuần như EIB tăng 9%, VCB tăng 6,6%, HDB tăng 4,6%,...
Ở chiều ngược lại, chỉ có 2/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần qua với SHB giảm mạnh nhất (14,8%). Đây là tuần thứ hai liên tiếp SHB dẫn đầu ngành ngân hàng về mức giảm giá (trong tuần trước thị giá cổ phiếu này giảm 8,8%).
Hai mã đứng giá trong tuần gồm có VBB và KLB.
Gần 367 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trong tuần qua
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có tổng cộng gần 367 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 6.600 tỉ đồng; tăng hơn 11% về khối lượng và tăng gần 3% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, STB tiếp tục là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 75,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 765 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là SHB (hơn 61,8 triệu cp), CTG (hơn 40,5 triệu cp), VPB (hơn 39,7 triệu cp), MBB (35,7 triệu cp)...
Ở chiều ngược lại, BAB, VBB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành lần lượt ở mức 12.900 cp, 2.854 cp và 10 cp.
Thanh khoản EIB và SHB tăng mạnh
Trong tuần qua, chỉ 6/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản EIB tăng mạnh nhất với gần 15,9 triệu cp được trao tay, gấp 7,5 lần tuần trước đó.
Đáng chú ý, phần lớn lượng cổ phiếu EIB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận (gần 13 triệu cp, chiếm gần 82% tổng lượng cổ phiếu EIB được mua bán trong tuần).
Bên cạnh EIB, khối lượng giao dịch của SHB cũng tăng hơn 330% với 61,8 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư.
4 cổ phiếu ngân hàng khác cũng có thanh khoản tăng trong tuần gồm NVB (tăng 30,5%), STB (tăng 18%), CTG (tăng 17,3%) và VIB (tăng 15,3%).
Ngược lại, có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch của KLB giảm mạnh nhất (hơn 99%) với chỉ 10 cp được giao dịch trong tuần. Cùng với KLB thì VBB, TPB, MBB, VCB và TCB là những cổ phiếu có khối lượng giao dịch giảm hơn 20%.
EIB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 333 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 5.838 tỉ đồng, chiếm gần 91% về khối lượng và 89% về giá trị.
Hơn 33,9 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt gần 741 tỉ đồng. Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 13 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này.
Bên cạnh EIB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "nhộn nhịp" tại nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như SHB (hơn 4,8 triệu cp), ACB (hơn 4,6 triệu cp), VPB (gần 4,4 triệu cp),...
Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Xem xét điều chỉnh tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro
Trong thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích họ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
ĐHĐCĐ VietinBank: Dự kiến lãi 6.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết theo cập nhật mới nhất, tín dụng VietinBank giảm khoảng 2%, nguyên nhân chủ yếu là tổng cầu tín dụng giảm. Dự kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, đồng thời tỉ lệ nợ xấu giảm về 1,5% vào cuối quí II.
Sếp ACB liên tiếp đăng kí mua vào cổ phiếu
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB, đăng kí mua 300.000 cổ phiếu ACB, dự kiến giao dịch từ ngày 25/5 đến ngày 23/6. Trước đó, Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn cũng đã mua thành công 350.000 cổ phiếu trong ngày 19/5.
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên, năm 2020, TPBank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn với mức 4.068 tỉ đồng, tăng 5% so với năm trước. Ngân hàng cũng cho biết đang đàm phán mua lại một công ty tài chính chịu sự kiểm soát đặc biệt của NHNN.
Lãi suất cho vay tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm
Vietcombank mới đây thông báo giảm 5% số tiền lãi cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống. Ước tính, có hơn 85.000 khách hàng cá nhân với qui mô tín dụng là 64.000 tỉ đồng sẽ được giảm lãi.
Trước đó, BIDV cũng đã giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND với một số lĩnh vực ưu tiên theo qui định tại Thông tư 39 của NHNN về 5,0%/năm.