Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: CTG dẫn đầu tăng giá, EIB giao dịch thỏa thuận lớn
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 28.500 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (27/4 - 29/4), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 787.300 tỉ đồng, giảm 2.900 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 24/4), tương ứng giảm 0,4%.
Trong đó, Vietcombank, BIDV và VietinBank đang là ba ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, lần lượt ở mức 252.204 tỉ đồng, 143.184 tỉ đồng và 74.468 tỉ đồng. Tổng vốn hóa thị trường của ba ngân hàng gốc quốc doanh này đạt gần 470.000 tỉ đồng, chiếm gần 60% vốn hóa toàn ngành.
Ngược lại, VietBank, Kienlongbank và NCB tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.908 tỉ đồng, 3.464 tỉ đồng và 3.240 tỉ đồng.
CTG dẫn đầu tăng giá
Tính chung trong 3 ngày giao dịch tuần qua, có 7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, CTG là mã tăng mạnh nhất ngành (4,2%). Ngoài CTG, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng tăng giá trong tuần như LPB tăng 1,4%, ACB tăng 1%, VIB tăng 0,7%, TCB và BAB cùng tăng 0,6%.
Ở chiều ngược lại, có tới 9/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá với VBB giảm mạnh nhất (4,1%). Cùng với VBB thì NVB, SHB, EIB, KLB, TPB, VCB, BID cũng là những cổ phiếu ngân hàng giảm trên 1% trong tuần qua. Hai mã đứng giá trong tuần gồm có VPB và STB.
EIB dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có hơn 168,1 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 3.000 tỉ đồng; giảm 36% về khối lượng và 35% về giá trị so với tuần trước. Khối lượng và giá trị giao dịch giảm mạnh chủ yếu do trong tuần qua chỉ có 3 ngày giao dịch, ít hơn hai ngày so với những tuần trước.
Tuần qua, EIB là cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần 40,6 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 625 tỉ đồng.
Đáng chú ý, phần lớn lượng cổ phiếu EIB được mua bán theo phương thức thỏa thuận, với hơn 39,4 triệu đơn vị được trao tay giữa các nhà đầu tư, chiếm hơn 97% lượng cổ phiếu EIB được giao dịch trong tuần.
Xếp tiếp sau EIB về thanh khoản lần lượt là VPB với hơn 25,5 triệu cp, STB gần 19,1 triệu cp, CTG với gần 18 triệu cp và MBB với hơn 12 triệu cp...
Ở chiều ngược lại, BAB, VBB và KLB tiếp tục là ba mã có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành lần lượt ở mức 8.300 cp, 2.800 cp và 100 cp.
Giao dịch thỏa thuận diễn ra sôi động
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 108 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.019 tỉ đồng, chiếm 64% về khối lượng và 67% về giá trị.
Hơn 60 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 986 tỉ đồng. Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với hơn 39,4 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm gần 66% tổng khối lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch thỏa thuận trong tuần.
Đây là tuần thứ hai liên tiếp giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu EIB diễn ra sôi động. Trước đó, cũng đã có 19,7 triệu cp EIB được mua bán theo hình thức này trong tuần 20/4 - 24/4.
Bên cạnh EIB, nhiều mã khác cũng có lượng giao dịch thỏa thuận lớn như VPB (gần 9,5 triệu cp), TCB (hơn 4 triệu cp), SHB (gần 2,1 triệu cp),...
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Fed cam kết giữ lãi suất gần 0 cho đến khi việc làm và lạm phát quay trở lại
Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vị mục tiêu từ 0% đến 0,25%.
Tại cuộc họp, Fed đã phác họa một bức tranh sâu sắc về các điều kiện kinh tế hiện tại và cam kết sẽ tiếp tục lập trường chính sách tích cực cho đến khi cảm thấy tự tin rằng nền kinh tế Mỹ quay trở lại.
VPBank trình cổ đông phương án mua lại tối đa gần 122 triệu cổ phiếu quĩ, giảm room ngoại xuống 15%
Hội đồng Quản trị VPBank dự kiến trình cổ đông xem xét thông qua phương án mua lại cổ phiếu của ngân hàng làm cổ phiếu quĩ. Tổng số lượng đăng kí mua lại cổ phiếu quĩ tối đa là 5% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương gần 122 triệu cổ phiếu.
Phương thức giao dịch theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch là sau khi được UBCKNN chấp thuận hồ sơ mua cổ phiếu quĩ của ngân hàng và ngân hàng đã thực hiện công bố thông tin theo qui định nhưng không quá 30 ngày bắt đầu thực hiện giao dịch.
BIDV, Techcombank, SHB công bố báo cáo tài chính quí I
Trong quí I, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 1.814 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kì năm trước. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản BIDV đạt 1,45 triệu tỉ đồng, giảm gần 3% so với đầu năm, với dư nợ cho vay khách hàng giảm 1% xuống 1,106 triệu tỉ đồng.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt 3.121 tỉ đồng, tăng 19,3% so với cùng kì 2019. Tính đến 31/3, tổng tài sản của ngân hàng tăng 2,1% đạt 391.808 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay tăng 0,5% lên 232.021 tỉ đồng.