Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, vốn hóa toàn ngành tăng thêm 28.500 tỉ đồng
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 28.500 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (13/4 - 17/4), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 820.600 tỉ đồng, tăng hơn 28.500 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 10/4), tương ứng tăng gần 3,6%.
Tuần qua, vốn hóa thị trường của các ngân hàng cổ phần tư nhân tăng mạnh và là động lực tăng chính của toàn ngành. Trong đó, vốn hóa VPBank tăng gần 6.880 tỉ đồng; vốn hóa MB tăng hơn 3.530 tỉ đồng, vốn hóa Techcombank tăng hơn 3.500 tỉ đồng,..
Bên phía ngân hàng cổ phần gốc quốc doanh, vốn hóa Vietcombank tăng gần 2.970 tỉ đồng. Trong khi, vốn hóa VietinBank và BIDV cũng tăng lần lượt 2.420 tỉ đồng và 2.011 tỉ đồng...
VPBank dẫn đầu tăng giá
Tuần qua có tới 15/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, VPB là mã tăng mạnh nhất ngành (15%) với 2 phiên tăng trần liên tiếp vào ngày 13/4 và 14/4. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, thị giá VPB đã tăng tổng cộng hơn 26,5%.
Cổ phiếu VPB bật tăng mạnh mẽ sau thông tin ông Nguyễn Đức Giang, con trai ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank đăng kí mua vào 12 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh hoặc hoặc thỏa thuận trong thời gian từ ngày 15/4 đến 14/5/2020.
Ngoài VPB, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong tuần qua như LPB tăng 12,3%, MBB tăng 9,3%, STB tăng 8%, TPB tăng 7,6%, HDB tăng 7,5%;...
Ở chiều ngược lại, KLB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất giảm giá trong tuần với mức giảm 7,3%. Hai mã đứng giá trong tuần gồm có VIB và VBB.
STB tuần thứ tư liên tiếp dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có hơn 311,9 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt gần 5.500 tỉ đồng; tăng 0,2% về khối lượng và 3,1% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, STB có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành, với gần 47,1 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 446 tỉ đồng.
Đây là tuần thứ tư liên tiếp STB dẫn đầu thanh khoản ngành ngân hàng, trước đó đã có gần 151 triệu cổ phiếu này được được giao dịch trong ba tuần trước với giá trị đạt gần 1.350 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là VPB với 39,4 triệu cp, MBB gần 36,9 triệu cp, SHB với hơn 34,8 triệu cp và CTG với hơn 30,8 triệu cp...
Ở chiều ngược lại, BAB, VBB và KLB tiếp tục là ba mã có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành lần lượt ở mức 13.700 cp, 8.500 cp và 6.100 cp.
10/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng
Trong tuần qua, 10/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản KLB tăng mạnh nhất với gần 6.100 cp được trao tay, gấp hơn 2,3 lần tuần trước đó.
Bên cạnh KLB, thanh khoản nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng trên 50% như EIB (tăng 95,4%), TPB (tăng 67,6%), HDB (tăng 62,7%),...
Ngược lại, có 8/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch của VBB giảm mạnh nhất (hơn 76%). Cùng với VBB, thanh khoản của VCB và STB cũng giảm hơn 20% trong tuần qua.
EIB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 239,9 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 4.195 tỉ đồng, chiếm 77% về khối lượng và 76% về giá trị.
Hơn 72,3 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.303 tỉ đồng.
Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 19,7 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm 93% tổng khối lượng cổ phiếu EIB được giao dịch trong tuần..
Bên cạnh EIB, nhiều mã khác cũng có lượng giao dịch thỏa thuận lớn như SHB (gần 13,8 triệu cp), VPB (12,9 triệu cp), TPB (gần 10,3 triệu cp), TCB (gần 7,1 triệu cp).
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm của VietinBank, Vietcombank , ACB và MB
Fitch Ratings thông báo điều chỉnh triển vọng về xếp hạng tín nhiệm của 5 ngân hàng tại Việt Nam. Trong đó, Fitch Ratings hạ triển vọng từ "tích cực" xuống "ổn định" đối với VietinBank, Vietcombank, ANZ Việt Nam và hạ triển vọng từ "ổn định" xuống "tiêu cực" đối với ACB và MB.
Chia sẻ tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận riêng của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
"Ví dụ Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỉ đồng thì năm nay phải giảm 30 - 40% của cái lãi. Tức ít nhất đóng góp khoảng 8.000 tỉ đồng cho vấn đề hạ lãi suất", Phó Thống đốc cho biết.
Công ty con của SCIC đăng kí mua 1 triệu cổ phiếu MBB
Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) đăng kí mua 1 triệu cổ phiếu MBB nhằm mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 16/4 đến ngày 15/5 theo phương thức khớp lệnh hoặc/và thỏa thuận. Giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 15,8 tỉ đồng.
Vietcombank 'chia sẻ' 2.240 tỉ đồng lợi nhuận dự kiến để giảm lãi vay cho khách hàng mùa COVID-19
Vietcombank thông báo giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 cho 90.000 khách hàng với qui mô tín dụng là 300.000 tỉ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.
Cụ thể, ngân hàng giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch; thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/9/2020. Đồng thời, Vietcombank cũng giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi COVID-19; thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4 đến 30/6.
Dự kiến lợi nhuận của Vietcombank sẽ giảm trên 2.240 tỉ đồng khi triển khai chương trình hỗ trợ này.