Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB, HDB dẫn đầu tăng giá
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 3.300 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (30/3 - 3/4), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 743.425 tỉ đồng, tăng 3.381 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 27/3), tương ứng tăng gần 0,5%.
Trong đó, Vietcombank, BIDV và VietinBank đang là ba ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, lần lượt ở mức 242.931 tỉ đồng, 137.955 tỉ đồng và 70.000 tỉ đồng. Tổng vốn hóa thị trường của ba ngân hàng gốc quốc doanh này đạt gần 450.887 tỉ đồng, chiếm hơn 60% vốn hóa toàn ngành.
Ngược lại, LienVietPostBank, Kienlongbank và NCB tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.329 tỉ đồng, 3.496 tỉ đồng và 3.363 tỉ đồng.
Thị giá SHB tăng gần 150% kể từ đầu năm
Trong tuần qua, chỉ có 7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, với SHB là mã tăng mạnh nhất (tăng 7,3%).
SHB là cổ phiếu hiếm hoi vẫn giữ được đà tăng giá trong những tuần giao dịch vừa qua khi thị trường chung sụt giảm mạnh trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.Tính từ đầu năm đến nay, thị giá SHB đã tăng tổng cộng gần 150% và là một trong những cổ phiếu có diễn biến giá tốt nhất thị trường.
Bên cạnh SHB, HDB cũng ghi nhận mức tăng giá 7,1% trong tuần. Thị giá cổ phiếu này bật tăng mạnh trước thông tin Sovico dự chi khoảng 178 tỉ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu HDBank.Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 3/4 đến 29/4.
Được biết, Chủ tịch HĐQT Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.
Cùng với SHB và HDB, hai cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB và BID cũng cho thấy xu hướng tăng giá trong tuần qua và là động lực chính giúp vốn hóa toàn ngành tăng trở lại sau ba tuần giảm mạnh liên tiếp.
Ở chiều ngược lại, có tới 9/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần, với TPB là mã giảm mạnh nhất (15,2%).
Cùng với TPB, thị giá của hàng loạt mã khác cũng giảm mạnh trong tuần như VPB (giảm 10,2%), VBB (giảm 7,6%), EIB (giảm 3,2%), ACB (giảm 3%)...
STB dẫn đầu thanh khoản ngành ngân hàng
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có gần 277,4 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt 4.150 tỉ đồng; giảm 22% về khối lượng và giảm gần 29% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, STB là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành, với gần 43,4 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 376 tỉ đồng. Đây là tuần thứ hai liên tiếp STB dẫn đầu thanh khoản ngành ngân hàng khi trong tuần trước cũng đã có hơn 47,2 triệu cổ phiếu này được được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt 421 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là TCB với hơn 37,6 triệu cp, MBB gần 27,7 triệu cp, CTG với gần 24 triệu cp, ACB với hơn 20,3 triệu cp,...
Ở chiều ngược lại, TPB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành lần lượt ở mức 676.880 cp, 511.400 cp và 5.472 cp.
TCB tiếp tục giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 193,6 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.833 tỉ đồng, chiếm 70% về khối lượng và 68% về giá trị.
Gần 83,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.317 tỉ đồng. Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với hơn 29,9 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm gần 80% tổng khối lượng cổ phiếu TCB được giao dịch trong tuần.
Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu TCB diễn ra sôi động. Trong tuần trước cũng đã có gần 26,4 triệu cp TCB được trao tay theo hình thức này với giá trị giao dịch đạt gần 445 tỉ đông.
Bên cạnh TCB, nhiều mã khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như VPB (hơn 19 triệu cp), EIB (gần 14,5 triệu cp), VPB (hơn 6,1 triệu cp)...
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Loạt ngân hàng tung chục nghìn tỉ đồng cho vay lãi suất thấp
Liên tiếp trong những ngày qua, hàng loạt ngân hàng tung ra những gói tín dụng “khủng” với lãi suất thấp hơn 0,5-2%, có nơi đến 4,5% so với giai đoạn trước dịch nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức chịu thiệt hại bởi CoOVID-19.
Tại chỉ thị mới nhất, Thống đốc yêu cầu các TCTD chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng. Trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay.
Đồng thời, Thống đốc cũng yêu cầu lãnh đạo các TCTD trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về kết quả thực hiện.
Sovico dự chi 178 tỉ đồng gom 10 triệu cổ phiếu HDBank
HDBank thông báo CTCP Sovico đăng kí mua vào 10 triệu cp HDB theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 3/4 đến 29/4 nhằm mục đích đầu tư.
Nếu giao dịch thành công, Sovico sẽ tăng sở hữu tại HDBank lên gần 141 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,36% vốn. Hiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch HĐQT Sovico đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.
VPBank muốn mua cổ phiếu quĩ trong tháng 4
VPBank thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản việc mua cổ phiếu quĩ năm 2020. Ngày đăng kí cuối cùng 20/4/2020. Thời gian thực hiện mua cổ phiếu quĩ dự kiến là trong tháng 4.
Giữa đại dịch COVID-19, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận gấp gần 9 lần năm 2019
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Kienlongbank thông qua kế hoạch kinh doanh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỉ đồng, gấp gần 9 lần so với năm 2019.
Cũng tại đại hội, Kienlongbank cũng quyết định không chia cổ tức năm 2019 để bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh trong giai đoạn 2016 – 2020.