|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 7 tỉ USD

17:28 | 15/03/2020
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 9/3 đến 13/3, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng giảm 17,1% xuống còn hơn 820.200 tỉ đồng. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, TCB, MBB... đều lao dốc mạnh.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua:  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Vietcombank)

Vốn hóa toàn ngành giảm gần 7,3 tỉ USD

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (9/3 - 13/3), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 820.258 tỉ đồng, giảm 168.867 tỉ đồng (tương đương gần 7,3 tỉ USD) so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 9/3), tương ứng giảm 17,1%.

Tuần qua, vốn hóa của hầu hết ngân hàng đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Trong đó, vốn hóa Vietcombank giảm 16%, tương đương giảm hơn 50.070 tỉ đồng; vốn hóa BIDV giảm 25,3%, tương đương giảm hơn 47.660 tỉ đồng; vốn hóa VietinBank giảm 14,9%, tương đương giảm 14.335 tỉ đồng.

Bên phía các ngân hàng cổ phần tư nhân, vốn hóa Techcombank giảm 13.300 tỉ đồng (17,2%), VPBank giảm 12.284 tỉ đồng (18,2%), MBBank giảm 8.423 tỉ đồng (17,2%)...

Đà sụt giảm vốn hóa của ngành ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực do tâm lí hoảng loạn trước sự bùng phát của dịch COVID-19. 

Theo đó, đóng cửa tuần qua, VN-Index giảm 129,66 điểm (tương đương 14,54%) xuống còn 761,78 điểm. Trong đà bán tháo của thị trường, vốn hóa sàn HOSE giảm 443.017 tỉ đồng (tương đương 19 tỉ USD).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua:  - Ảnh 2.

Vốn hóa 18 ngân hàng tại ngày 13/3 (Nguồn: QT tổng hợp)

Hàng loạt cổ phiếu lao dốc mạnh

Trong tuần qua, có tới 16/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong đó, BID là cổ phiếu giảm mạnh nhất (25,3%).

Cùng với BID, thị giá của hàng loạt mã khác cũng giảm ở mức hai con số như VPB (giảm 18,2%), HDB (giảm 17,9%), TCB và MBB (cùng giảm 17,2%), LPB (giảm 16,5%), VCB (giảm 16%)...

Ở chiều ngược lại, duy nhất 1 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua là KLB với mức tăng 4,8%. 

Xu hướng đi ngược thị trường chung của KLB không được giới đầu tư quan tâm nhiều bởi thanh khoản của mã này liên tục ở mức rất thấp, nhiều phiên còn xuất hiện tình trạng không có giao dịch.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua:  - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 9/3 - 13/3 (Nguồn: QT tổng hợp)

SHB dẫn đầu thanh khoản

Xét về thanh khoản, trong tuần vừa qua có hơn 553,8 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt hơn 9.647 tỉ đồng; tăng 3,4% về khối lượng và tăng 12% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, SHB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 94,7 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị đạt gần 1.023 tỉ đồng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp SHB dẫn đầu thanh khoản nhóm ngành ngân hàng, trong hai tuần trước đã có tổng cộng gần 357 triệu cp SHB được giao dịch.

Xếp tiếp sau SHB về thanh khoản tuần qua lần lượt là STB với hơn 89,1 triệu cp, MBB gần 58,5 triệu cp, CTG với hơn 52,8 triệu cp và ACB với hơn 52,7 triệu cp...

Ở chiều ngược lại, TPB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 1,78 triệu cp, 1,57 triệu cp và 2.200 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua:  - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 9/3 - 13/3 (Nguồn: QT tổng hợp)

14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng

Tuần qua, có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản VBB (VietBank) tăng mạnh nhất với gần 8,3 triệu cp được trao tay, gấp 408 lần tuần trước đó.

Thanh khoản VBB tăng đột biến trong bối cảnh ngân hàng này vừa thông báo miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Nhung từ ngày 13/3. Đồng thời, bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng.

Ngoài ra, HĐQT ngân hàng cũng thống nhất bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kì 2016-2020 (trong đó có một thành viên HĐQT độc lập).

Bên cạnh VBB, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng có thanh khoản tăng gấp 2 - 3 lần tuần trước như EIB, TCB, VIB, MBB, AC, BID và VCB.

Ngược lại, chỉ có 4/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần qua. Trong đó, khối lượng giao dịch của TPB giảm mạnh nhất (gần 83%). Cùng với TPB, khối lượng giao dịch của SHB cũng giảm gần 60%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua:  - Ảnh 5.

Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

TCB giao dịch thỏa thuận "khủng"

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 469,2 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 8.063 tỉ đồng, chiếm 85% về khối lượng và 84% về giá trị.

Gần 84,6 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.584 tỉ đồng. Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 23,8 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm hơn một nửa tổng khối lượng cổ phiếu TCB được giao dịch trong tuần.

Bên cạnh TCB, nhiều mã khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như EIB (gần 19,2 triệu cp), VPB (hơn 11,1 triệu cp) và NVB (10,8 triệu cp)...

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua:  - Ảnh 6.

Khối lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

NHNN dự kiến sẽ sớm giảm lãi suất điều hành để đối phó với dịch COVID-19

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN đang nghiên cứu, trong thời gian ngắn tới sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành bao gồm tái cấp vốn, tái chiết khấu, OMO...theo chiều hướng mức giảm sẽ tương đối thiết thực".

NHNN chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 

Ngày 12/3, Thống đốc NHNN đã kí ban hành Thông tư số 01 qui định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thông tư được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11 ngày 14/2/2020 về phiên họp Chính phủ thường kì tháng 1/2020.

Loạt ngân hàng bổ sung nhân sự cấp cao

Mới đây, BIDV thông báo bổ nhiệm ông Trần Long, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, ông Phan Thanh Hải và ông Hoàng Việt Hùng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc ngân hàng từ ngày 12/3.

Sau khi bổ nhiệm các nhân sự trên, Ban điều hành BIDV có 11 thành viên với ông Lê Ngọc Lâm đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Giám đốc phụ trách, 9 Phó Tổng Giám đốc và 1 Kế toán trưởng.

Trước đó, VietBank thông báo miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Nhung từ ngày 13/3. Đồng thời, bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng.

Tại Techcombank, HĐQT ngân hàng cũng vừa bổ nhiệm ông Phùng Quang Hưng đảm nhận chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực Kiêm giám đốc Điều Hành và giám đốc Khối tư vấn tài chính và dịch vụ khách hàng (CSA).

Quốc Thụy