Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá với hàng loạt giao dịch thỏa thuận lớn
Vốn hóa toàn ngành giảm hơn 7.400 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (17/2 - 21/2), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom đạt xấp xỉ 1,017 triệu tỉ đồng, giảm hơn 7.400 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 14/2), tương ứng giảm 0,7%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 330.090 tỉ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp gần 1,7 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 199.090 tỉ đồng).
Ngược lại, LienVietPostBank, Kienlongbank và NCB là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.217 tỉ đồng, 3.568 tỉ đồng và 3.650 tỉ đồng.
VPB tăng giá mạnh nhất ngành
Trong tuần qua, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong đó, SHB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (5,5%).
Đứng sau SHB về mức giảm giá lần lượt là LPB (giảm 5,4%) và KLB (giảm 5%). Ngoài ra còn có 6 mã khác giảm trên 2% gồm: CTG (giảm 3,5%), ACB (giảm 2,7%), STB (giảm 2,6%), MBB (giảm 2,5%) và TPB (giảm 2,3%).
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần với VPB là mã tăng mạnh nhất (6,1%). Đà tăng giá của VPB diễn ra trong bối cảnh quĩ đầu tư Composite Capital Master Fund LP xác nhận mua vào 7,3 triệu cổ phiếu VPB vào ngày 18/2, nâng tỉ lệ sở hữu lên 5,15% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn tại VPBank.
Bên cạnh VPB, hai cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng tăng giá trong tuần gồm VBB (tăng 3,8%) và VIB (tăng 2,2%). Hai cổ phiếu đứng giá trong tuần là BAB và EIB.
ACB dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có hơn 303 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 6.500 tỉ đồng; giảm 17% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, ACB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 42,2 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị đạt gần 1.152 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau ACB về thanh khoản lần lượt là CTG với gần 41 triệu cp, STB với hơn 39 triệu cp, VPB với hơn 38,2 triệu cp, MBB với hơn 36,7 triệu cp và SHB với hơn 32 triệu cp.
Ở chiều ngược lại, KLB, VBB và BAB tiếp tục là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 526.000 cp, 40.300 cp và 17.000 cp.
8/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng
Tuần qua, có 8/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản KLB tăng mạnh nhất với hơn 526.000 cp được trao tay, gấp 4,6 lần tuần trước đó.
Bên cạnh KLB thì EIB cũng là mã có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng giao dịch gấp hơn 2 lần tuần trước đó.
Ngoài hai mã nêu trên, ba cổ phiếu ngân hàng khác có thanh khoản tăng trên 20% gồm ACB (tăng 37,1%), BID (tăng 34,2%) và VBB (tăng 25,6%).
Ngược lại, có tới 10/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch của TCB giảm mạnh nhất (giảm 47,5%). Cùng với TCB thì khối lượng giao dịch của SHB, STB, VPB, HDB và NVB cũng giảm hơn 20% trong tuần qua.
VPB tiếp tục giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 251 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 5.161 tỉ đồng, chiếm 83% về khối lượng và 79% về giá trị.
Hơn 57 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.377 tỉ đồng. Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 21 triệu đơn vị được trao tay theo phương thức này, chiếm hơn một nửa tổng khối lượng cổ phiếu VPB được giao dịch trong tuần.
Riêng trong hai ngày giao dịch 18/2 và 19/2, cổ phiếu VPB đã chứng khiến lượng giao dịch thỏa thuận khủng với gần 12,5 triệu cổ phiếu được trao tay. Tất cả lượng cổ phiếu này đều được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài tại mức giá trần trong phiên.
Trong tuần trước, VPB cũng là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận "khủng" nhất ngành với 29,2 triệu cổ phiếu được trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch gần 819 tỉ đồng.
Bên cạnh VPB thì ACB cũng là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn với gần 15,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 438 tỉ đồng.
Tuần qua cũng xuất hiện lượng giao dịch thỏa thuận lớn tại TPB với gần 7,9 triệu cp được trao tay, chiếm 92% tổng lượng cổ phiếu TPB được trao tay trong tuần.
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần qua
ACB dự kiến tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu, sẽ bàn trong đại hội cổ đông ngày 7/4
ACB dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông 2020 vào ngày 7/4 tới. Tại đại hội, ngoài những nội dung cơ bản thông thường, ban lãnh đạo ACB cũng sẽ trình các cổ đông về phương án tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu.
Một quĩ ngoại xác nhận mua vào 7,3 triệu cổ phiếu VPB, chính thức trở thành cổ đông lớn tại VPBank
Quĩ đầu tư Composite Capital Master Fund LP xác nhận mua vào 7,3 triệu cổ phiếu VPB trong ngày 18/2, nâng tỉ lệ sở hữu lên 5,15% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn tại VPBank.
IFC nâng hạn mức tài trợ cho 4 ngân hàng ABBank, TPBank, VIB và VPBank trong bối cảnh dịch Covid-19
IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho ABBank, TPBank, VIB và VPBank để đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải bởi dịch cúm virus corona (Covid-19).
Với tổng hạn mức mới 294 triệu USD sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Con trai Chủ tịch Ngân hàng Quốc dân muốn mua 8,2 triệu cổ phiếu NVB
Ông Nguyễn Trần Trung Sơn, con trai của Chủ tịch HĐQT NCB đăng kí mua 8,2 triệu cổ phiếu NVB, giao dịch dự kiến thực hiện từ 20/2 -18/3/2020. Ước tính ông Sơn sẽ chi khoảng 73 tỉ đồng để mua lượng cổ phiếu nói trên.
Kienlongbank rao bán hơn 176 triệu cp Sacombank lần 2, giá giảm còn 21.600 đồng/cp
Sau thất bại lần 1, Kienlongbank tiếp tục rao bán hơn 176 triệu cp STB lần thứ hai với giá khởi điểm giảm 10% xuống 21.600 đồng/cp.
Kienlongbank cho biết lượng cổ phiếu STB trên thuộc sở hữu của cá nhân trong nước và ngân hàng thực hiện chào bán nhằm mục đích thu hồi nợ. Thời gian chào bán dự kiến 17/2 - 24/2/2020.