Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: ACB, VPB và TCB dẫn đầu tăng giá
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 5.500 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (10/2 - 14/2), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 1,024 triệu tỉ đồng, tăng hơn 5.500 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 7/2), tương ứng tăng 0,5%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 331.203 tỉ đồng, chiếm hơn 32% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp hơn 1,6 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 201.101 tỉ đồng).
Ngược lại, VietBank, Kienlongbank và NCB là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.537 tỉ đồng, 3.852 tỉ đồng và 3.691 tỉ đồng.
Tuần qua, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ghi nhận sự tăng mạnh về vốn hóa và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành. Cụ thể, vốn hóa VPBank tăng 7,1%, tương ứng tăng hơn 4.400 tỉ đồng; ACB tăng 10,9%, tương ứng tăng hơn 4.300 tỉ đồng và Techcombank tăng 5,2%, tương ứng tăng hơn 4.000 tỉ đồng.
Ngược lại, vốn hóa của ba ngân hàng TMCP Nhà nước đều ghi nhận sự sụt giảm. Trong đó, vốn hóa BIDV giảm 3,3%, tương đương giảm hơn 6.800 tỉ đồng; vốn hóa Vietcombank giảm 0,8%, tương đương gần 2.600 tỉ đồng; vốn hóa VietinBank giảm 0,4%, tương đương 372 tỉ đồng.
10/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần
Trong tuần qua, có 10/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, KLB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (11,2%).
Đứng sau KLB về mức tăng giá lần lượt là ACB (tăng 10,9%), VPB (tăng 7,1%), TCB (tăng 5,2%) và VIB (tăng 5,1%). Ngoài ra còn có 5 mã khác tăng trên 1% gồm có TPB, STB, SHB, LPB và MBB.
Ở chiều ngược lại, có 6 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với HDB là mã giảm mạnh nhất (4,5%). Bên cạnh HDB, có 5 cổ phiếu ngân hàng khác giảm giá trong tuần gồm BID (giảm 3,3%); EIB giảm (1,1%); VCB (giảm 0,8%); VBB (giảm 0,6%) và CTG (giảm 0,4%).
STB dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có gần 366 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt hơn 7.300 tỉ đồng; tăng 2,9% về khối lượng và tăng 6,3% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, STB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 60 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị gần 690 tỉ đồng. Thanh khoản STB tăng cao trong bối cảnh tuần qua là thời gian cuối cùng để Kienlongbank bán ra 176,4 triệu cổ phần Sacombank theo đăng kí trước đó.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là VPB với gần 54,6 triệu cp, SHB 50,3 triệu cp, CTG với gần 39,5 triệu cp, MBB với 38,3 triệu cp, TCB với 35,9 triệu cp và ACB với 30,8 triệu cp.
Ở chiều ngược lại, KLB, VBB và BAB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 113.200 cp, 32.100 cp và 17.900 cp.
9/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng
Tuần qua, có 9/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản TPB tăng mạnh nhất với hơn 7,2 triệu cp được trao tay, gấp 19,4 lần tuần trước đó.
Bên cạnh TPB thì TCB và KLB cũng là hai mã có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng giao dịch gấp lần lượt 2,6 lần và 2 lần tuần trước đó.
Ngoài hai mã nêu trên, ba cổ phiếu ngân hàng khác có thanh khoản tăng trên 50% gồm VIB (tăng 95,3%), ACB (tăng 87,8%) và VPB (tăng 95,3%).
Ngược lại, cũng có tới 9/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch của EIB giảm mạnh nhất (giảm gần 83%). Cùng với EIB thì khối lượng giao dịch của VCB cũng giảm hơn 50% trong tuần qua.
VPB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 289 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 5.484 tỉ đồng, chiếm 79% về khối lượng và 75% về giá trị.
Hơn 76,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.824 tỉ đồng.
Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 29,2 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm hơn một nửa tổng khối lượng cổ phiếu VPB được giao dịch trong tuần.
Đáng chú ý, tất cả 29,2 triệu cổ phiếu VPB trên đều được giao dịch thỏa thuận trong hai ngày 13/2 và 14/2 với mức giá trần trong phiên; và nhiều khả năng đều được thực hiện bởi nhà đầu tư đầu nước ngoài khi khối lượng mua vào và bán ra của khối ngoại đúng bằng khối lượng được thỏa thuận.
Giao dịch trao tay khủng cổ phiếu VPB xuất hiện sau khi mã này trải qua nhịp tăng giá mạnh từ trước Tết nguyên đán Canh Tý. Theo đó, chỉ trong chưa đầy một tháng, thị giá VPB đã tăng hơn 40% từ vùng giá quanh 19.300 đồng/cp lên 27.150 đồng/cp.
Bên cạnh VPB thì TCB cũng là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn với 23,9 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 567 tỉ đồng.
Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Theo quyết định mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo, điều hành Khối kinh tế tổng hợp gồm kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ theo dõi và chỉ đạo các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Tiền gửi.
NHNN chưa giới hạn 49% với tỉ lệ góp vốn nước ngoài trong hoạt động trung gian thanh toán
Trên cơ sở nghiên cứu, các ý kiến góp ý cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia và phân tích, đánh giá các tác động của chính sách, NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỉ lệ giới hạn 49% cho hoạt động trung gian thanh toán vào dự thảo Nghị định.
VPBank chính thức hoàn thành cả ba trụ cột của Basel II
VPBank thông báo đã hoàn thành triển khai xong việc tuân thủ trụ cột cuối cùng của Basel II - qui trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP- Internal Capital Adequacy Assessment Process) trong số ba trụ cột cần hoàn thành của Basel II.
Sau EVFTA, các ngân hàng EU có thể sở hữu tối đa 49% vốn tại hai ngân hàng Việt Nam
Trong hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng tỉ lệ sở hữu lên 49% vốn điều lệ tại hai ngân hàng TMCP trong nước không bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Cam kết này có hiệu lực trong vòng 5 năm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/