|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/18 cổ phiếu giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý

13:41 | 02/02/2020
Chia sẻ
Trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, có tới 16/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Giá trị vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng, xuống dưới 1 triệu tỉ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/18 cổ phiếu giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: TBCK)

Vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý (30/1 - 31/1), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 987.798 tỉ đồng, giảm gần 61.500 tỉ đồng so với mức đóng cửa năm Kỷ Hợi (ngày 22/1), tương ứng giảm 5,9%.

Trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, vốn hóa các ngân hàng đã đồng loạt lao dốc. Trong đó, vốn hóa Vietcombank giảm mạnh nhất (hơn 17.400 tỉ đồng); vốn hóa BIDV giảm gần 16.100 tỉ đồng; Techcombank giảm 9.100 tỉ đồng…

Đóng cửa ngày giao dịch 31/1, Vietcombank vẫn là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 328.977 tỉ đồng, chiếm hơn 33% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp 1,6 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 207.134 tỉ đồng).

Ngược lại, LienVietPostBank, NCB và Kienlongbank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.572 tỉ đồng, 3.691 tỉ đồng và 3.302 tỉ đồng. 

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/18 cổ phiếu giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý - Ảnh 2.

Vốn hóa 18 ngân hàng tại ngày 31/1 (Nguồn: QT tổng hợp)

16/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá

Trong tuần qua, có tới 16/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, 1 cổ phiếu đứng giá và chỉ duy nhất 1 cổ phiếu tăng giá.

Xu hướng giảm của các cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực trước sự bùng phát dịch bệnh do virus Corona gây ra. Theo đó, chỉ trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, chỉ số Vn – Index đã giảm tổng cộng gần 55 điểm (tương đương 5,5%); chỉ số HNX – Index giảm gần 4 điểm (tương đương 3,7%); chỉ số UPCoM - Index giảm 1,1 điểm (tương đương 1,9%).

Tuần qua, KLB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất ( giảm 11,3%). Đứng sau KLB về mức tăng giá lần lượt là TCB (giảm 10,7%), LPB (giảm 7,5%), BID (giảm 7,2%) và MBB (giảm 7,1%); ngoài ra, còn có 9 cổ phiếu khác giảm trên 2%.

Ở chiều ngược lại, EIB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá trong tuần với mức tăng 2,3%. Trong khi NVB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất đứng giá trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/18 cổ phiếu giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 30/1 - 31/1 (Nguồn: QT tổng hợp)

SHB dẫn đầu thanh khoản

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 132,8 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt hơn 2.800 tỉ đồng.

Trong đó, SHB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 28,1 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị gần 216 tỉ đồng.

Xếp tiếp sau SHB về thanh khoản lần lượt là CTG với hơn 23,7 triệu cp, MBB hơn 17,3 triệu cp, STB với hơn 14,5 triệu cp, VPB với gần 11,2 triệu cp và TCB với hơn 10,5 triệu cp.

Ở chiều ngược lại, KLB, VBB và BAB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 52.400 cp, 42.600 cp và 5.400 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/18 cổ phiếu giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 30/1 - 31/1 (Nguồn: QT tổng hợp)

Xét về phương thức giao dịch, trong tuần qua có gần 128,3 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.682 tỉ đồng, chiếm 97% về khối lượng và 96% về giá trị.

Hơn 4,5 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 123 tỉ đồng. Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với hơn 2,2 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm gần một nửa lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch thỏa thuận trong tuần.

Bên cạnh VPB thì CTG, EIB, TCB và VCB cũng là những  cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 16/18 cổ phiếu giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 61.500 tỉ đồng trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Fed giữ nguyên lãi suất chuẩn trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 1

Kết thúc cuộc họp tháng 1, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất quĩ dự trữ Liên bang (FFR) trong vùng mục tiêu 1,5 – 1,75%. Tuy nhiên, cơ quan này đã điều chỉnh ngôn từ trong tuyên bố của mình để phản ánh chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu lạm phát cao hơn.

Chính phủ sẽ tăng 10.000 tỉ đồng vốn điều lệ cho Vietcombank và VietinBank trong quí I/2020 

Chia sẻ tại cuộc gặp mặt đầu xuân tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quí I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỉ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank. Đồng thời, với Agribank toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng.

Kienlongbank chào bán hơn 176 triệu cp Sacombank giá gấp đôi thị giá 24.000 đồng/cp

Kienlongbank thông báo chào bán gần 176,4 triệu cổ phần Sacombank với giá chào bán khởi điểm 24.000 đồng/cp. 

Kienlongbank cho biết lượng cổ phiếu STB trên thuộc sở hữu của cá nhân trong nước và ngân hàng thực hiện chào bán là nhằm mục đích thu hồi nợ.

SHB và HDBank công bố báo cáo tài chính quí IV/2019

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 3.077 tỉ đồng, tăng gần 47% so với năm 2018 và vượt kế hoạch đề ra. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,4% tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 1,83%.

Tại HDBank, kết thúc năm vừa qua, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 5.018 tỉ đồng, tăng 25,3% so với năm 2018 và vượt 24% kế hoạch đề ra.

Nợ xấu nội bảng của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2019 là 1.997 tỉ đồng, tăng 5,9%; tương đương với tỉ lệ nợ xấu nội bảng 1,36%.


 

Quốc Thụy

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.