Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: CTG dẫn đầu tăng giá, vốn hóa toàn ngành vượt 1 triệu tỉ đồng
Vốn hóa toàn ngành vượt mốc 1 triệu tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (13/1 - 17/1), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 1.031.732 tỉ đồng, tăng 39.742 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 10/1), tương ứng tăng 4%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 350.489 tỉ đồng, chiếm hơn 33% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp 1,6 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 215.178 tỉ đồng).
Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.369 tỉ đồng, 3.773 tỉ đồng và 3.561 tỉ đồng.
Tuần qua, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước ghi nhận sự tăng mạnh về vốn hóa và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành. Cụ thể, vốn hóa Vietcombank tăng 5,6%, tương ứng tăng hơn 18.500 tỉ đồng; BIDV tăng 4,3%, tương đương tăng hơn 8.800 tỉ đồng và VietinBank tăng 5,9%, tương đương tăng hơn 5.200 tỉ đồng.
CTG tuần thứ hai liên tiếp dẫn đầu tăng giá và thanh khoản
Trong tuần qua, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, CTG là cổ phiếu tăng mạnh nhất (5,9%). Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp CTG dẫn đầu mức tăng trong ngành ngân hàng bởi trong tuần trước, mã này đã tăng tổng cộng 10,6%.
Đứng sau CTG về mức tăng giá lần lượt là VCB (tăng 5,6%), ACB (tăng 4,8%), BID (tăng 4,3%) và VPB (tăng 4%). Ngoài ra còn có 5 mã khác tăng trên 1% gồm có TCB, HDB, VIB, MBB và SHB.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần qua với KLB (Kienlongbank) giảm mạnh nhất (2,7%). Bên cạnh KLB thì VBB và EIB cũng là hai mã giảm giá trong tuần; trong khi, NVB và LPB là hai cổ phiếu ngân hàng đứng giá.
Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 235 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt hơn 4.900 tỉ đồng, giảm 14,4% về khối lượng và giảm 9,3% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, CTG là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 46,8 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị gần 1.090 tỉ đồng. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp CTG đứng đầu về thanh khoản bởi trong tuần trước cũng đã có hơn 97,6 triệu cp này được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 2.080 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau CTG về thanh khoản lần lượt là SHB với gần 28,8 triệu cp, EIB gần 28,7 triệu cp, MBB với hơn 24,1 triệu cp và STB với gần 23,4 triệu cp.
Ở chiều ngược lại, VBB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 109.800 cp, 15.500 cp và 1.200 cp.
14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng
Tuần qua, có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản KLB tăng mạnh nhất với hơn 1.200 cp được trao tay, gấp 3,3 lần tuần trước đó.
Bên cạnh KLB, EIB cũng là mã có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng giao dịch đạt hơn 28,7 triệu cp, tăng 127%.
Ngoài hai mã nêu trên, 2 mã cổ phiếu khác có thanh khoản tăng trên 50% gồm LPB (tăng 87%) và TCB (tăng 58,3%).
Ngược lại, chỉ có 4/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch của HDB giảm mạnh nhất (giảm 54,2%).
Cùng với HDB, 3 mã khác có khối lượng giao dịch giảm trong tuần qua gồm có CTG (giảm 52,1%), SHB (giảm 38,1%) và BID (giảm 33,6%).
EIB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 172,6 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.658 tỉ đồng, chiếm 73% về khối lượng và 74% về giá trị.
Gần 62,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.284 tỉ đồng. Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với hơn 27,7 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm gần 97% tổng khối lượng cổ phiếu này được giao dịch trong tuần.
Bên cạnh EIB thì CTG, VPB, TCB, NVB và HBD cũng là những mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch thỏa thuận trên 1 triệu đơn vị.
Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam vào Danh sách cần giám sát tiền tệ
Ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại Báo cáo kỳ này, BTC Mỹ đã đưa Danh sách các quốc gia cần giám sát (Danh sách giám sát) gồm 10 nước trong đó có Việt Nam.
Theo NHNN, Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương vượt 20 tỉ USD (Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỉ USD).
SCIC đã bán gần 1,8 triệu cổ phiếu MBBank
Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) đã bán gần 1,8 triệu cổ phiếu MBBank. Giao dịch được thực hiện từ ngày 18/12/2019 đến ngày 10/1/2020, ước tính SCIC thu về khoảng 38,7 tỉ đồng từ thương vụ này.
ĐHCĐ bất thường NCB: Thống nhất phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 bằng phát hành cổ phần
Ngày 17/1/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã: NVB) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2020.
Tại đại hội, NCB quyết định chọn phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 thông qua bán cổ phần cho cán bộ nhân viên và cổ đông hiện hữu.
ACB lãi trước thuế 7.500 tỉ đồng trong năm 2019, vượt kế hoạch năm
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 15/1, ban lãnh đạo ACB cho biết năm 2019, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt khoảng 7.500 tỉ đồng, vượt 3% kế hoạch năm.
Năm 2020, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 8.700 tỉ đồng, tỉ lệ chia cổ tức 25-30%.
Bac A Bank lãi trước thuế 928 tỉ đồng trong năm 2019
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Đặng Trung Dũng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Bac A Bank cho biết: Kết thúc 2019, tổng tài sản của Bac A Bank ước đạt 107.975 tỉ đồng, vượt qua mốc 100.000 tỉ; lợi nhuận trước thuế đạt 928 tỉ đồng.