|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản

15:27 | 05/01/2020
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 30/12/2019 đến 3/1/2020, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng tăng 0,9%, đạt 964.623 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 114 triệu cp, tương ứng với giá trị 2.085 tỉ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: SHB)

Vốn hóa toàn ngành tăng gần 8.400 tỉ đồng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (30/12/2019 - 2/1/2020), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 964.623 tỉ đồng, tăng 8.380 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 27/12), tương ứng tăng 0,9%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 333.428 tỉ đồng, chiếm gần 35% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp 1,8 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 187.828 tỉ đồng).

Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.662 tỉ đồng, 3.773 tỉ đồng và 3.561 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 2.

Vốn hóa 18 ngân hàng tại ngày 3/1 (Nguồn: QT tổng hợp)

14/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá

Trong tuần qua, có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, VPB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (3,6%). Đứng sau VPB về mức tăng giá lần lượt là CTG (tăng 3,1%), EIB (tăng 2,1%) và HDB (tăng 2%). Ngoài ra còn có 7 mã khác tăng trên 1% gồm có TCB, TPB, MBB, SHB, LPB, ACB và BID.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần qua với NVB (NCB) giảm mạnh nhất, giảm 2,1%. Trong tuần trước, NVB cũng là mã giảm mạnh nhất ngành ngân hàng với cùng mức giảm 2,1%. Bên cạnh NVB thì VCB và VIB cũng là hai mã giảm giá trong tuần. Trong khi đó, KLB là cổ phiếu ngân hàng đứng giá duy nhất trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 30/12/2019 - 3/1/2020 (Nguồn: QT tổng hợp)

SHB dẫn đầu thanh khoản

Trong tuần có tổng cộng hơn 114 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 2.085 tỉ đồng, giảm gần 37% về khối lượng và giảm 39% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, SHB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 20 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị hơn 130 tỉ đồng. Xếp tiếp sau SHB về thanh khoản lần lượt là CTG với gần 14,6 triệu cp, MBB gần 12 triệu cp và VPB với gần 11,8 triệu cp.

Ở chiều ngược lại, TPB, VBB và BAB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 350.500 cp, 86.500 cp và 14.200 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 30/12/2019 - 3/1/2020 (Nguồn: QT tổng hợp)

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 94,8 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 1.778 tỉ đồng, chiếm 83% về khối lượng và 85% về giá trị.

Gần 19,3 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 307 tỉ đồng, giảm 80% về khối lượng và 81% về giá trị so với tuần trước. Sự đi xuống của khối lượng giao dịch thỏa thuận cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản toàn ngành ngành ngân hàng giảm mạnh trong tuần vừa qua.

Cụ thể, trong tuần KLB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với 9,7 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này. Trong khi đó, khối lượng giao dịch thuận tại EIB hay TCB đều giảm mạnh so tuần trước khi chỉ có lần lượt 2,5 triệu cp và 1,1 triệu cp được trao tay.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản CTG tăng mạnh

Tuần qua, chỉ có 5/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản CTG tăng mạnh nhất với gần 14,6 triệu cp được trao tay, tăng 49,4% so với tuần trước đó.

Bên cạnh CTG, SHB cũng là mã có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng giao dịch đạt gần 20 triệu cp, tăng hơn 31%.

Ngoài hai mã nêu trên, 3 mã cổ phiếu có thanh khoản tăng còn lại gồm NVB (tăng 6,8%), LPB (tăng 2,5%) và HDB (tăng 1,3%).

Ngược lại, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch của EIB giảm mạnh nhất (giảm gần 92%).

Cùng với EIB, thanh khoản của TPB và TCB cũng giảm lần lượt gần 86% và 78% so với tuần trước. Ngoài ra, còn có tới 5 mã khác có khối lượng giao dịch giảm trên 30% gồm BID, VPB, VIB, VBB và VCB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 14/18 mã tăng giá, SHB dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Lãnh đạo Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank tiết lộ kết quả kinh doanh

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 diễn ra tại Hà Nội sáng 2/1, các lãnh đạo 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đã có những chia sẻ sơ bộ về kết quả kinh doanh 2019.

Ngoài ra, lãnh đạo 4 ngân hàng quốc doanh tiếp tục nêu đề xuất liên quan đến vấn đề tăng vốn. Trong đó, Chủ tịch Vietcombank đề xuất được giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong giai đoạn 2018 đến 2020. 

SHB sắp chia cổ tức tỉ lệ 20,9%, tăng vốn lên hơn 17.500 tỉ đồng

SHB dự kiến phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2017 và 2018 (tương đương với tỉ lệ 20,9%) và phát hành gần 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên hơn 17.500 tỉ đồng.

Đã có 11 ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC 

SeABank cho biết đã hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

Với thành công này, SeABank trở thành ngân hàng thứ 11 hoàn tất xử lí dứt điểm trái phiếu đặc biệt tại VAMC cùng với 10 ngân hàng khác gồm Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB, Nam A Bank, TPBank, Kienlongbank, VPBank và Agribank.

LienVietPostBank dự kiến lợi nhuận năm 2019 vượt 2.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay 

LienVietPostBank vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2019 với lợi nhuận trước thuế dự kiến vượt mốc 2.000 tỉ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra (1.900 tỉ đồng).

Kết thúc năm 2019, tổng tài sản LienVietPostBank dự kiến đạt trên 200.000 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt trên 140.000 tỉ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt trên 165.000 tỉ đồng.

Quốc Thụy

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.