Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB quán quân tăng giá, TCB dẫn đầu thanh khoản
Vốn hóa toàn ngành giảm gần 3.000 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (16/12 - 20/12), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở 929.602 tỉ đồng, giảm 2.975 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 13/12), tương ứng giảm 0,3%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 327.494 tỉ đồng, chiếm 35% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp gần 2 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 171.941 tỉ đồng).
Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.411 tỉ đồng, 3.937 tỉ đồng và 3.394 tỉ đồng.
10/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá
Trong tuần qua, có tới 10/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong đó, HDB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (6,3%).
Đứng sau HDB về mức giảm giá lần lượt là MBB (giảm 3,7%), ACB (giảm 2,2%) và TCB (giảm 1,5%).
Ở chiều ngược lại, chỉ có 6 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần với SHB là mã tăng mạnh nhất (tăng 3,3%). Hai mã đứng giá trong tuần gồm có TPB và BAB.
TCB tuần thứ hai liên tiếp dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 195,5 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 3.836 tỉ đồng, tăng 7,5% về khối lượng và tăng 10,7% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 52,8 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị hơn 1.204 tỉ đồng.
Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp TCB dẫn đầu thanh khoản nhóm ngành ngân hàng. Trong tuần trước cũng đã có gần 33,9 triệu cp TCB được trao tay, giá trị đạt hơn 772 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau TCB về thanh khoản lần lượt là MBB với hơn 30,2 triệu cp và SHB với gần 28,1 triệu cp…
Ở chiều ngược lại, VBB, KLB và BAB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất tuần, lần lượt ở mức 111.000 cp, 93.000 cp và 15.000 cp.
Hơn 48 triệu cp TCB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 91,8 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 1.843 tỉ đồng, chiếm 47% về khối lượng và 48% về giá trị.
Gần 103,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.993 tỉ đồng.
Trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận tại nhiều cổ phiếu ngân hàng diễn ra "sôi động" và động lực tăng trưởng chính của thanh khoản nhóm ngành ngân hàng.
Cụ thể, có hơn 48 triệu cổ phiếu TCB được trao tay theo phương hình thức thỏa thuận, chiếm 91% tổng khối lượng cổ phiếu ngân hàng này được giao dịch trong tuần.
Bên cạnh TCB, thanh khoản của NVB cũng chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận với khối lượng cổ phiếu được trao tay theo hình thức này đạt hơn 11 triệu đơn vị.
Thanh khoản KLB, SHB và ACB tăng đột biến
Tuần qua, có 10/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản KLB tăng mạnh nhất với gần 93.000 cp được trao tay, gấp 8 lần tuần trước đó.
Cùng với KLB thì SHB và ACB là hai mã có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng giao dịch gấp lần lượt 4,1 lần và 2,2 lần tuần trước đó.
Ngoài những mã nêu trên, 4 mã cổ phiếu ngân hàng khác có thanh khoản tăng trên 50% gồm MBB (tăng 74,6%), LPB (tăng 67,3%), TCB (tăng 55,8%) và BID (tăng 52,9%).
Ngược lại, có 6/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch của EIB giảm mạnh nhất (81,5%).
Bên cạnh EIB, TPB và NVB là hai mã có thanh khoản giảm hơn 50% trong tuần.
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Moody's hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm nhiều ngân hàng Việt xuống 'Tiêu cực'
Sáng ngày 20/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã phát đi thông báo hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam xuống "Tiêu cực".
Moody's khẳng định việc thay đổi xếp hạng hôm nay đối với các ngân hàng là diễn biến tiếp theo từ việc tổ chức này chính thức hạ bậc triển vọng của Việt Nam về "Tiêu cực" vào ngày 18/12/2019 (theo giờ Mỹ) và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
Chủ tịch Lê Đức Thọ: Lợi nhuận VietinBank sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch năm 2019
Vietcombank chốt ngày chia cổ tức bằng tiền mặt, tỉ lệ 8%
Vietcombank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 31/12/2019 để chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 8%. Dự kiến ngân hàng sẽ chi khoảng 2.970 tỉ đồng để trả cổ tức; trong đó, cổ đông nhà nước sẽ nhận được khoảng 2.220 tỉ đồng.
Tổng dư nợ BIDV dự kiến đạt 1,1 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2019, bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận
Theo thông tin từ đại diện BIDV, tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2019 ước đạt 1,4 triệu tỉ đồng, dư nợ đạt 1,1 triệu tỉ đồng và huy động đạt 1,15 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên, vị đại diện này lại bỏ ngỏ con số lợi nhuận của ngân hàng và chỉ đưa ra con số kế hoạch lợi nhuận đã cam kết là 10.000 tỉ đồng trong đại hội cổ đông thường niên năm 2019.
Kienlongbank sạch nợ xấu tại VAMC
Ngày 17/12, Công ty Quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc Kienlongbank đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC.
Sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC, Kienlongbank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1/1/2020.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/