Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 mã giảm giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 6.300 tỉ đồng
Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)
Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)
Vốn hóa ngành ngân hàng giảm gần 6.300 tỉ đồng
Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (25/11 - 29/11), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết đạt 887.501 tỉ đồng, giảm gần 6.270 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 22/11), tương ứng với mức giảm 0,7%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 316.367 tỉ đồng, chiếm gần 36% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp 2,3 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 138.458 tỉ đồng).
Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 2.739 tỉ đồng, 3.107 tỉ đồng và 6.327 tỉ đồng.
Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 29/11 (Nguồn: QT tổng hợp)
13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần
Trong tuần qua, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong đó, SHB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (giảm 9,1%). Đứng sau SHB về mức giảm giá lần lượt là HDB (giảm 4,7%), VBB (giảm 4,4%), CTG (giảm 3,1%), VIB (giảm 2,3%) và KLB (giảm 2%). Ngoài ra, STB, MBB, TCB, BAB, ACB, VPB và VCB cũng là những mã giảm giá trong tuần.
Ở chiều ngược lại, chỉ có ba cổ phiếu ngân hàng tăng giá với BID là mã tăng mạnh nhất (tăng 0,7%); hai cổ phiếu tăng giá còn lại gồm EIB (tăng 0,6%) và TPB (tăng 0,5%). Hai mã đứng giá trong tuần là LPB và NVB.
Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 25/11 - 29/11 (Nguồn: QT tổng hợp)
VPB dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 138,2 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 2.803 tỉ đồng, giảm 6,1% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 17,3 triệu đơn vị được trao tay với giá trị đạt gần 353 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau VPB về thanh khoản lần lượt là MBB với gần 17,2 triệu cp, TCB (gần 17 triệu cp), SHB (15,4 triệu cp), CTG (13,3 triệu cp) và STB (12,8 triệu cp)…
Ở chiều ngược lại, VBB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 119.000 cp, 17.400 cp và 4.100 cp.
hối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 18/11 - 22/11 (Nguồn: QT tổng hợp)
TCB giao dịch thỏa thuận 'khủng'
Tuần qua có gần 91,6 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 1.838 tỉ đồng, chiếm 66% về khối lượng và 66% về giá trị. Gần 46,7 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 965 tỉ đồng.
Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm MBB với gần 13,2 triệu cp, CTG với gần 12,8 triệu cp, STB với 12,7 triệu cp và SHB với 12,2 triệu cp.
Mặt khác, giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu TCB diễn ra "nhộn nhịp" với gần 12,2 triệu cp được trao tay, chiếm 26% tổng lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo hình thức thỏa thuận trong tuần.
Bên cạnh TCB, 5 cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận trên 1 triệu cp gồm có VPB (11,9 triệu cp), EIB (gần 8 triệu cp), TPB (6 triệu cp), MBB (4 triệu cp) và SHB (3,2 triệu cp).
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp
EIB đột biến khối lượng
Tuần qua, chỉ có 5/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, mã EIB có thanh khoản tăng mạnh nhất với hơn 8,2 triệu cp được trao tay, gấp hơn 6 lần tuần trước. Cùng với EIB, TPB cũng lài mã có thanh khoản tăng đột biến, gấp hai lần tuần trước đó.
Ba mã cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tăng còn lại gồm TCB (tăng 71%), SHB (tăng 45,5%) và NVB (tăng 37,9%).
Ngược lại, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, BAB là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (98,7%). Bên cạnh BAB thì KLB và LPB cũng là những mã có thanh khoản giảm hơn 50%.
Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần qua
VietinBank điều chỉnh số liệu BCTC 2018, lợi nhuận giảm gần 172 tỉ đồng
Thực hiện theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các khoản mục liên quan đến lợi nhuận VietinBank bị điều chỉnh giảm.
Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng điều chỉnh giảm 120 tỉ đồng, từ 14.256 tỉ xuống 14.084 tỉ đồng; trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng từ 7.751 tỉ lên 7.803 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VietinBank giảm gần 172 tỉ đồng, xuống còn 6.559 tỉ đồng. Sau khi, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 1.281 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 139 tỉ xuống còn 5.277 tỉ đồng.
Đối với Bảng cân đối kế toán, VietinBank thực điều chỉnh phân loại nợ, nguyên giá tài sản cố định, khấu hao, tài sản có khác, các khoản phải trả và công nợ khác, vốn và các quĩ. Sau điều chỉnh, giá trị tổng tài sản VietinBank giảm hơn 145 tỉ đồng xuống còn gần 1.164.435 tỉ đồng.
SHB chính thức lên tiếng về vụ dự án Cocobay 'vỡ trận'
Trước nhiều thông tin trái chiều của dư luận về Cocobay, dự án được SHB độc quyền cho vay mua bất động sản, ngân hàng đã chính thức phát đi thông cáo về vấn đề này.
Theo đó, SHB cho biết ngân hàng tài trợ vay vốn với chủ đầu tư triển khai dự án, trên cơ sở dự án đầy đủ điều kiện về pháp lí theo qui định của pháp luật.
Bên cạnh đó, SHB cũng đã thực hiện thẩm định, giải ngân tuân thủ theo đúng qui định của pháp luật, qui định của Ngân hàng Nhà nước và các qui định của SHB. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo đầy đủ theo qui định.
Do đó, SHB khẳng định việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ khách hàng, SHB sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải quyết (nếu cần)
Một doanh nghiệp quân đội muốn bán ra 1,9 triệu cp MBB, giá tối thiểu 22.609 đồng/cp
Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 thông báo phê duyệt phương án bán ra gần 1,9 triệu cổ phiếu MBB. Đây là lượng cổ phiếu mà Tổng Công ty 28 nhận được từ các đợt chia từ cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2013 - 2017.
Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn HOSE. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến là trong quí IV/2019 với giá chào bán khởi điểm không thấp hơn 22.609 đồng/cp.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh dự chi hàng trăm tỉ mua một nửa lượng cổ phiếu ESOP của VPBank
Trong đợt phát hành 31 triệu cổ phiếu ESOP sắp tới của VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng đăng kí mua tới hơn 15,4 triệu cổ phiếu, ước tính số tiền bỏ ra là hơn 150 tỉ đồng.
Ngoài Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh, 12 nhân sự cấp cao khác trực thuộc Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát của VPBank cũng đăng kí mua vào tổng cộng gần 1,57 triệu cổ phiếu.