|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, CTG dẫn đầu thanh khoản

15:16 | 17/11/2019
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 11/11 đến 15/11, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết giảm 1,3%, đạt 934.470 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 218 triệu cp, tương ứng với giá trị là 4.737 tỉ đồng.
1934252

Ảnh minh họa (Nguồn: VietinBank)

Vốn hóa ngành ngân hàng tăng giảm 12.778 tỉ đồng 

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (11/11 - 15/11), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết đạt 934.470 tỉ đồng, giảm 12.778 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 8/11), tương ứng với mức giảm 1,3%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 332.686 tỉ đồng, chiếm gần 36% tổng vốn hóa ngành ngân hàng và gấp 2,4 lần ngân hàng xếp thứ hai là BIDV (vốn hóa 143.586 tỉ đồng).

Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank vẫn là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 2.739 tỉ đồng, 3.237 tỉ đồng và 6.285 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, CTG dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 2.

Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 15/11 (Nguồn: QT tổng hợp)

13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần

Trong tuần qua, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong đó, HDB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (4,4%). Đứng sau HDB về mức giảm giá lần lượt là VPB (giảm 3,4%), SHB (giảm 2,9%), MBB (giảm 2,8%), CTG (giảm 2,7%) và VCB (giảm 2%). Ngoài ra, VIB, ACB, TPB và STB cũng là những mã giảm trên 1% trong tuần.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng tăng giá với LPB tăng mạnh nhất (5,2%); hai cổ phiếu tăng giá còn lại là EIB (tăng 2,4%) và BID (tăng 1,7%). Hai mã đứng giá trong tuần gồm có BAB và NVB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, CTG dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 11/11 - 15/11 (Nguồn: QT tổng hợp)

CTG dẫn đầu thanh khoản

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 218,5 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 4.737 tỉ đồng, tăng 9% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với tuần trước. 

Thanh khoản CTG tăng đột biến trong phiên ngày 13/11 với 66,2 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị 1.427 tỉ đồng; trong đó, phần lớn giao dịch thuộc về nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể trong ngày 13/11, khối ngoại đã mua vào gần 29 triệu cổ phiếu CTG, giá trị đạt hơn 622 tỉ đồng. Trong khi khối này cũng bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu, giá trị 1.234 tỉ đồng. Tựu trung lại, phiên giao dịch 13/11, khối ngoại đã bán ròng gần 28,5 triệu cp CTG, tương ứng với giá trị bán ròng gần 612 tỉ đồng.

Đáng chú ý, gần như 100% số cổ phiếu CTG được khối ngoại giao dịch trong ngày 13/11 đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Trong đó, CTG là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 77,7 triệu đơn vị được trao tay, chiếm gần 36% tổng khối lượng giao dịch trong tuần của toàn nhóm ngành ngân hàng, với giá trị đạt hơn 1.680 tỉ đồng.

Xếp tiếp sau CTG về thanh khoản trong tuần qua lần lượt là MBB với hơn 37,7 triệu cp, VPB (15,6 triệu cp), SHB (14,1 triệu cp), TCB (11,9 triệu cp), HDB (11,2 triệu cp), STB (11 triệu cp) và ACB (10,9 triệu cp)…

Ở chiều ngược lại, VBB, BAB và KLB tiếp tục là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 121.000 cp, 15.900 cp và 6.800 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, CTG dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 11/11 - 15/11 (Nguồn: QT tổng hợp)

Hơn 57 triệu cổ phiếu CTG được giao dịch thỏa thuận trong tuần

Tuần qua có hơn 143 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.193 tỉ đồng, chiếm 66% về khối lượng và 67% về giá trị. Hơn 75 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.544 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm MBB với hơn 35,9 triệu cp, CTG với hơn 20,2 triệu cp, TCB với 11,5 triệu cp, SHB với 11,3 triệu cp, HDB với 11,1 triệu cp, ACB với 10,8 triệu cp và STB với 10,4 triệu cp.

Mặt khác, giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu CTG diễn ra "nhộn nhịp" trong tuần với gần 57,4 triệu cp được trao tay, chiếm 76% tổng lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo hình thức thỏa thuận trong tuần.

Bên cạnh CTG, một số mã cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như VPB (6,3 triệu cp); NVB (3,9 triệu cp) và SHB (2,8 triệu cp) …

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, CTG dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

KLB có thanh khoản trở lại

Tuần qua chỉ có 6/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, mã KLB đã có thanh khoản trở lại sau khi mất thanh khoản trong tuần trước.

Mặt khác, với phiên đột biến khối lượng trong ngày 13/11, thanh khoản CTG trong tuần qua đạt kỉ lục hơn 77,7 triệu đơn vị, gấp 4,5 lần tuần trước đó.

Bốn mã cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tăng còn lại là LPB (tăng 58,3%), NVB (tăng 45,8%), MBB (tăng 5,2%) và BID (tăng 3,1%).

Ngược lại, có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, TPB là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (63,8%). Bên cạnh TPB thì EIB, STB và TCB cũng là những mã có thanh khoản giảm hơn 50% trong tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, CTG dẫn đầu thanh khoản - Ảnh 7.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Chính thức từ Quốc hội: Chưa đưa việc tăng vốn cho 'Big 4' ngân hàng vào nghị quyết

Tại kì họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu là kiến nghị của Chính phủ gửi tới Quốc hội về việc bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho nhóm "Big 4" ngân hàng có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó không có nội dung giải pháp tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank.

BIDV chính thức có cổ đông chiến lược đầu tiên KEB Hana Bank, kí hợp tác trên 6 lĩnh vực 

Ngày 11/11, BIDV và KEB Hana Bank đã kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông sở hữu 15% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Theo thỏa thuận, BIDV sẽ nhận được chương trình hỗ trợ kĩ thuật dài hạn từ Tập đoàn tài chính Hana và KEB Hana Bank trên 6 lĩnh vực gồm quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; quản lí hệ thống công nghệ và ngân hàng số; tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; quản trị rủi ro; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Vietcombank chuẩn bị nhận tiền thoái vốn tại bảo hiểm Vietcombank – Cardif từ Tập đoàn FWD 

Vietcombank vừa quyết định mở tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng Mizuho Bank, Ltd chi nhánh Hà Nội để thực hiện nhận tiền chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ VCB – Cardif.

Trước đó, ngày 12/11, Vietcombank đã kí kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với tập đoàn bảo hiểm FWD. Một phần trong giao dịch là FWD sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif.

VPBank chuẩn bị bán 31 triệu cổ phiếu quĩ cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp 

VPBank dự kiến chào bán 31 triệu cổ phiếu quĩ, tương đương 1,288% số cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng với giá trị 310 tỉ đồng.

Động thái chào bán cổ phiếu quĩ cho nhân viên của VPBank diễn ra sau khi ngân hàng này vừa hoàn tất việc mua vào 50 triệu cổ phiếu quĩ trong thời gian từ ngày 2/10 đến ngày 23/10 với giá bình quân 22.194 đồng/cp.

Phó Tổng Giám đốc Techcombank muốn bán ra cổ phiếu TCB 

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank đăng kí bán 400.000 cổ phiếu TCB trong thời gian từ ngày 21/11 đến 23/12/2019, theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Quốc Thụy