Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: ACB đứng đầu tăng giá và thanh khoản
Vốn hóa ngành ngân hàng tăng thêm hơn 6.000 tỉ đồng
Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (28/10 - 1/11), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt 924.348 tỉ đồng, tăng 6.107 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 25/10), tương ứng với mức tăng 0,7%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 329.348 tỉ đồng, chiếm gần 36% tổng vốn hóa ngành ngân hàng; đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là BIDV (140.167 tỉ đồng) và Techcombank (83.044 tỉ đồng).
Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt ở mức 2.769 tỉ đồng, 3.269 tỉ đồng và 6.327 tỉ đồng.
Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 1/11 (Nguồn: QT tổng hợp)
ACB dẫn đầu tăng giá
Trong tuần qua, có 10/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong đó, ACB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (tăng 2,5%). Đứng sau ACB về mức tăng giá lần lượt là NVB (tăng 2,2%) và BID (tăng 2%). Ngoài ra, SHB, HDB, CTG và LPB cũng là bốn mã tăng hơn 1% trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, có 6 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với VPB là mã giảm mạnh nhất (giảm 2,3%). Bên cạnh VPB, VBB, BAB và MBB là nhưng mã giảm hơn 1% trong tuần. Hai cổ phiếu đứng giá trong tuần này gồm STB và EIB.
Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 28/10 - 1/11 (Nguồn: QT tổng hợp)
ACB đứng đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 251 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 5.160 tỉ đồng, tăng 68% về khối lượng và tăng 60% về giá trị so với tuần trước. Riêng khối lượng giao dịch của ACB đạt gần 74,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 1.776 tỉ đồng; chiếm 30% khối lượng và 34% giá trị giao dịch toàn ngành.
Phần lớn cổ phiếu ACB được giao dịch trong ngày giao dịch 30/10 với khối lượng giao dịch đạt 68,2 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt gần 1.626 tỉ đồng. Trong đó, khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt gần 60,8 triệu cổ phiếu, chiếm 89%.
Đáng chú ý, gần như toàn bộ 60,8 cổ phiếu cổ phiếu trên được giao dịch vào đầu phiên giao dịch buổi sáng với mức giá 23.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 1.447 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau ACB về thanh khoản lần lượt là NVB với gần 23,5 triệu cp, VPB (21,4 triệu cp), SHB (21,3 triệu cp), STB (20,6 triệu cp), CTG (17,7 triệu cp), EIB (15,9 triệu cp), MBB (14,6 triệu cp), TCB (12,9 triệu cp) và HDB (10,9 triệu cp)…
Trong khi đó, VBB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 190.000 cp, 27.000 cp và 18.600 cp.
Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 21/10 - 25/10 (Nguồn: PV tổng hợp)
Loạt ngân hàng giao dịch thỏa thuận khủng
Tuần qua có hơn 125 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.582 tỉ đồng, chiếm 50% về khối lượng và 50% về giá trị. Hơn 126 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 2.578 tỉ đồng.
Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm STB với hơn 19 triệu cp, CTG với gần 16 triệu cp, MBB với hơn 14,4 triệu cp, SHB với 14 triệu cp, ACB với 13,4 triệu cp và HDB với 10,9 triệu cp.
Mặt khác, trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu ACB diễn ra "nhộn nhịp" với hơn 61 triệu cp được trao tay, chiếm 82% tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu này trong tuần.
Bên cạnh ACB, một số mã cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như NCB (15,4 triệu cp), EIB (15,1 triệu cp) và VPB (14,3 triệu cp) …
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)
ACB, NVB và EIB đột biến khối lượng
Tuần qua có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản ACB tăng mạnh nhất với 74,5 triệu cp được trao tay, gấp gần 10 lần tuần trước. Cùng với ACB thì NVB và EIB cũng là hai mã có khối lượng giao dịch tăng đột biến, gấp lần lượt 3 lần và 2,6 lần.
Ngoài ra, SHB, STB và VIB cũng là ba mã có thanh khoản tăng hơn 50% trong tuần 28/10 – 1/11.
Ngược lại, chỉ có 5/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, BAB là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (gần 98%). Cùng với BAB thì VPB, TPB, MBB và HDB cũng là những mã có thanh khoản giảm trong tuần qua.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Fed chính thức cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 10, Fed đã quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản từ phạm vi 1,75 - 2% xuống 1,5 -1,75%.
Đây là lần thứ ba Fed cắt giảm lãi suất cơ bản kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra trong giai đoạn 2007-2008. Trước đó, tại hai cuộc họp diễn ra vào ngày 31/7 và 18/9, Fed cũng đã cắt giảm lãi suất với cùng một mức 0,25%.
Vietcombank thông qua phương án thoái vốn tại bảo hiểm Vietcombank - Cardif
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).
Trước đó, Bloomberg dẫn một nguồn đáng tin cậy cho biết Tập đoàn FWD của tỉ phú Richard Li sẽ mua lại công ty con mang tên Vietcombank Cardif Life Insurance, thuộc sở hữu của Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank và BNP Paribas.
Theo báo cáo tài chính quí III, giá gốc khoản đầu tư của Vietcombank tại Bảo hiểm Vietcombank - Cardif (VCLI) vào thời điểm 30/9 là 270 tỉ đồng.
BIDV bán xong 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam thông báo đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (31/10).
Tổng số tiền thu về từ việc chào bán cổ phiếu là hơn 20.295 tỉ đồng. Sau khi trừ gần 27 tỉ đồng chi phí phát hành, BIDV thu ròng hơn 20.268 tỉ đồng.
ACB bán xong hơn 35 triệu cổ phiếu quĩ chỉ trong một ngày
Ngân hàng TMCP Á Châu thông báo toàn bộ hơn 35,2 triệu cổ phiếu quĩ được bán ra theo hình thức thỏa thuận trong ngày 30/10 với giá 23.800 đồng/cp, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 838 tỉ đồng.
Eximbank bất ngờ chốt danh sách cổ đông cho đại hội thường niên năm 2020
Hội đồng quản trị Eximbank vừa thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 22/11 để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kì VII (2020-2025).
Đồng thời, HĐQT cũng thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 10/3/2020 để cổ đông thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.