|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Duy nhất một mã tăng giá, vốn hóa toàn ngành giảm gần 40.700 tỉ đồng

15:21 | 24/11/2019
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 18/11 đến 22/11, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết giảm 4,4%, xuống còn 893.771 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 147 triệu cp, tương ứng với giá trị đạt 3.174 tỉ đồng.
20180401_THN_NTNA_DoitenChinhanh_03

Ảnh min họa (Nguồn: Vietcombank)

Vốn hóa ngành ngân hàng giảm 40.700 tỉ đồng

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (18/11 - 22/11), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết đạt 893.771 tỉ đồng, giảm gần 40.700 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 15/11), tương ứng với mức giảm 4,4%.

Trong đó, vốn hóa Vietcombank giảm mạnh nhất (giảm 15.577 tỉ đồng xuống còn 317.109 tỉ đồng). Tương tự, vốn hóa của Techcombank và BIDV cũng giảm lần lượt 6.475 tỉ đồng và 6.154 tỉ đồng xuống còn 80.678 tỉ đồng và 137.432 tỉ đồng.

Hiện tại, Vietcombank vẫn là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường, chiếm hơn 35% tổng vốn hóa ngành ngân hàng. Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank vẫn là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 2.739 tỉ đồng, 3.172 tỉ đồng và 6.621 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Duy nhất một cổ phiếu tăng giá, vốn hóa ngành ngân hàng giảm 40.700 tỉ đồng - Ảnh 2.

Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 22/11 (Nguồn: QT tổng hợp)

Duy nhất một cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần

Trong tuần qua, có tới 15/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong đó, EIB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (9,8%). Đứng sau EIB về mức giảm giá lần lượt là TCB giảm 7,4%, VPB giảm 5,6%, LPB và ACB cùng giảm 4,9%, VCB giảm 4,7%, BID giảm 4,3% và STB giảm 4,2%. Ngoài ra, KLB, TPB và CTG cũng là những mã giảm trên 2% trong tuần.

Ở chiều ngược lại, VBB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá trong tuần với mức tăng 5,3%; hai mã đứng giá gồm có SHB và NVB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Duy nhất một cổ phiếu tăng giá, vốn hóa ngành ngân hàng giảm 40.700 tỉ đồng - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 18/11 - 22/11 (Nguồn: QT tổng hợp)

CTG tiếp tục dẫn đầu thanh khoản

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 147,2 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 3.174 tỉ đồng, giảm 33% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, CTG là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 21,5 triệu đơn vị được trao tay với giá trị đạt hơn 453 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp CTG dẫn đầu thanh khoản nhóm ngành ngân hàng, trong tuần trước cũng đã có hơn 77,7 triệu cp này được giao dịch.

Xếp tiếp sau CTG về thanh khoản lần lượt là VPB với gần 20,9 triệu cp, MBB (20,6 triệu cp), STB (17,5 triệu cp), ACB (10,9 triệu cp), SHB (10,6 triệu cp) và HDB (10,1 triệu cp)…

Ở chiều ngược lại, EIB, VBB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 1,3 triệu cp, 139.500 cp và 15.400 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Duy nhất một cổ phiếu tăng giá, vốn hóa ngành ngân hàng giảm 40.700 tỉ đồng - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 18/11 - 22/11 (Nguồn: QT tổng hợp

BAB đột biến khối lượng

Tuần qua, 8/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, mã BAB có thanh khoản tăng mạnh nhất với hơn 1,3 triệu cp được trao tay, gấp 84 lần tuần trước.

Cùng với BAB, TPB và KLB cũng là hai mã có thanh khoản tăng đột biến, gấp lần lượt 3 lần và 2 lần tuần trước đó.

5 mã cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tăng còn lại gồm VIB (tăng 63,8%), STB (tăng 58,5%), VCB (tăng 49,7%), VPB (tăng 33,5%) và VBB (tăng 15,2%).

Ngược lại, có 10/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, CTG là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (72,4%). Bên cạnh CTG thì LPB và EIB cũng là những mã có thanh khoản giảm hơn 50%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Duy nhất một cổ phiếu tăng giá, vốn hóa ngành ngân hàng giảm 40.700 tỉ đồng - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

VPB giao dịch thỏa thuận 'khủng'

Tuần qua có hơn 128,1 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.772 tỉ đồng, chiếm 87% về khối lượng và 87% về giá trị. Hơn 19,1 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 402 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm CTG với hơn 21,3 triệu cp, MBB với hơn 19,9 triệu cp, STB với 17,3 triệu cp và ACB với 10,7 triệu cp.

Mặt khác, giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu VPB diễn ra "nhộn nhịp" với hơn 13 triệu cp được trao tay, chiếm 68% tổng lượng cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo hình thức thỏa thuận trong tuần.

Bên cạnh VPB, hai cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận trên 1 triệu cp gồm TPB (2 triệu cp) và BAB (1,3 triệu cp).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Duy nhất một cổ phiếu tăng giá, vốn hóa ngành ngân hàng giảm 40.700 tỉ đồng - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần qua

NHNN bất ngờ giảm trần lãi suất huy động kì hạn ngắn và lãi suất cho vay một số lĩnh vực

Từ ngày 19/11, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm… 

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kì hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được điều chỉnh giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay

Ngay sau khi hai quyết định giảm lãi suất của NHNN được ban hành, hàng loạt ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động ngắn hạn. Một số ngân hàng điều chỉnh cả lãi suất tiền gửi dài hạn từ 12-36 tháng theo hướng đi xuống dù mức giảm chỉ 0,1-0,3 điểm phần trăm.

Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cũng đã hạ lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên từ trước đó, thậm chí không chỉ về mức 6%/năm như chỉ đạo của cơ quan quản lý, mà về hẳn 5-5,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN tăng mức siết cho vay bất động sản

Trong thông tư số 22/2019 mới được ban hành, NHNN đã tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay phục vụ kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Đồng thời, áp dụng hệ số rủi ro từ 50% - 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà.

Fed loại bỏ ý định đưa lãi suất xuống mức âm

Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 10/2019 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy các quan chức của NHTW Mỹ đã thống nhất loại bỏ ý định sử dụng lãi suất âm như một công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ.

Theo các quan chức Fed, mức lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và có khả năng sẽ vẫn được duy trì.

NCB tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu bổ sung TV HĐQT

NCB thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 17/1/2020 tại Hà Nội. Cuộc họp được tổ chức nhằm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị, một thành viên Ban Kiểm soát và thông qua một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. 

Ngày đăng kí cuối cùng tham gia đại hội cổ đông bất thường là 2/12/2019.



Quốc Thụy