|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng phản ứng ra sao trước dịch virus corona?

07:42 | 12/02/2020
Chia sẻ
Trước tâm lí lo ngại của giới đầu tư về sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, cổ phiếu ngành ngân hàng đồng loạt lao dốc trong hai ngày giao dịch đầu tiên trong năm Canh Tý. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành này đã nhanh chóng hồi phục trong những phiên giao dịch sau đó.

Giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu năm Canh Tý

Trước lo ngại về ảnh hưởng của dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm Canh Tý với một đợt giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua.

Theo đó, chỉ trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý (30/1 - 31/1), chỉ số VN-Index đã giảm tổng cộng gần 55 điểm (tương đương 5,5%); chỉ số HNX-Index giảm gần 4 điểm (tương đương 3,7%); chỉ số UPCoM-Index giảm 1,1 điểm (tương đương 1,9%).

Cùng với đà giảm của thị trường chung, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đồng loạt lao dốc. Cụ thể, kết thúc 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, có tới 16/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, 1 cổ phiếu đứng giá và duy nhất 1 cổ phiếu tăng giá.

Trong đó nhiều mã giảm rất mạnh như TCB (giảm 10,7%), LPB (giảm 7,5%), BID (giảm 7,2%) và MBB (giảm 7,1%). Thậm chí những mã có nền tảng cơ bản tốt và rất ít khi biến động mạnh như VCB (Vietcombank) cũng giảm tới 5% hay ACB là 6,1%.

Phản ứng của cổ phiếu ngân hàng trước dịch virus corona: Giảm mạnh, hồi phục nhanh - Ảnh 1.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 30/1 - 31/1 (Nguồn: QT tổng hợp)

Với sự sụt giảm mạnh của thị giá, vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM bốc hơi tới gần 61.500 tỉ đồng, tương ứng giảm 5,9% chỉ trong 2 phiên giao dịch.

Theo giới phân tích, sự bùng phát dịch bệnh do virus corona được xem là hiện tượng "thiên nga đen" (black swan), khiến giới đầu tư hoảng loạn và dẫn tới hiện tượng bán tháo thị trường chứng khoán toàn cầu bao gồm cả Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nối dài đà giảm điểm từ phiên trước khi mất 0,4%, sau khi chứng kiến mức giảm 2,3% trong phiên 30/1, ghi dấu mức giảm sâu nhất trong 6 tháng.

Trong đó, cổ phiếu các ngân hàng lớn tại Châu Á cũng đồng loạt lao dốc. 

Cụ thể, cổ phiếu BOC của Bank of China (Hong Kong), ngân hàng lớn thứ hai trong các ngân hàng thương mại tại Hong Kong về giá trị tài sản đã giảm gần 10% trong 2 tuần giao dịch kể từ khi các thông tin về virus Corona tác động tới các thị trường tài chính. Tương tự, cổ phiếu của HSBC niêm yết trên thị trường chứng khoán HongKong cũng giảm 5,3%...

Đồng loạt hồi phục trong tuần giao dịch tiếp theo

Dữ liệu quá khứ cho thấy đối với các dịch bệnh trong quá khứ (SARS, Zika, Ebola, Swine Flu…), thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam thường lao dốc mạnh tại thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát nhưng đều nhanh chóng hồi phục khi có thông tin dịch bệnh được kiểm soát.

Phản ứng của cổ phiếu ngân hàng trước dịch virus corona: Giảm mạnh, hồi phục nhanh - Ảnh 2.

Mới đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng trả lời báo chí về phản ứng của thị trường trước tác động của dịch bệnh do virus corona gây ra. Theo đó, ông cho rằng thị trường chứng khoán luôn là nơi phản ứng nhạy và mạnh nhất với diễn biến kinh tế - xã hội nhưng các phản ứng gần đây có phần thái quá.

Ông dẫn ví dụ, trước đây thị trường cũng biến động tức thì khi xuất hiện dịch SARS, H5N1 song phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi. Vì thế, nhà đầu tư cũng có quyền hi vọng thị trường lần này sẽ diễn biến tương tự khi dịch được khống chế.

Đối với ngành ngân hàng Việt Nam, theo giới phân tích do kinh tế vĩ mô nói chung và một số lĩnh vực như thương mại, du lịch, khách sạn, xuất khẩu nông sản,...có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch virus corona, ngành ngân hàng cũng sẽ chịu tác động trong ngắn hạn.

Tuy nhiên trong năm 2020, cổ phiếu ngân hàng vẫn được giới đầu tư đánh giá cao do có mức định giá hấp dẫn và triển vọng dài hạn của ngành.

Chứng khoán BSC ước tính trong năm 2020, tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) của các ngân hàng niêm yết sẽ đạt lần lượt 325.808 tỉ đồng (tăng 15,7% so với năm 2019) và 125.892 tỉ đồng (tăng 21,4%).

Trong báo cáo vừa được công bố, Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đã đưa nhóm cổ phiếu ngân hàng vào danh mục các ngành ưa thích trong năm 2020 bên cạnh công nghệ thông tin và tiêu dùng.

"Ngân hàng là một trong số ít ngành có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao cùng với mặt bằng định giá còn thấp", nhóm phân tích của BSC nhận định.

Thực tế, sau khi sụt giảm mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, phần lớn cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu hồi phục ngay trong các phiên giao dịch sau đó.

Cụ thể, trong tuần giao dịch vừa qua (3/2 - 7/2), có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, VPB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (12,9%); tiếp sau là SHB và HDB (cùng tăng 10,9%), CTG (tăng 10,2%) và STB (tăng 9,3%). Ngoài ra còn có 6 mã khác tăng trên 1% gồm có KLB, ACB, MBB, TCB, VIB và VCB.

Kết thúc tuần giao dịch, giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt xấp xỉ 1,019 triệu tỉ đồng, tăng hơn 32.100 tỉ đồng so với mức đóng cửa ngày 31/1, tương ứng tăng 3,3%. Đồng thời, ngân hàng cũng là nhóm ngành chủ lực giúp VN - Index khép lại một tuần giao dịch đầy biến động trong sắc xanh.

Phản ứng của cổ phiếu ngân hàng trước dịch virus corona: Giảm mạnh, hồi phục nhanh - Ảnh 4.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 3/2 - 7/2 (Nguồn: QT tổng hợp)

Quốc Thụy