Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Bất chấp VCB hồi phục, vốn hóa toàn ngành vẫn giảm hơn 17.300 tỉ đồng
Vốn hóa toàn ngành giảm hơn 17.300 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (23/3 - 27/3), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 740.044 tỉ đồng, giảm 17.368 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 20/3), tương ứng giảm 2,3%.
Như vậy, với ba tuần giảm mạnh liên tiếp, vốn hóa toàn ngành ngân hàng đã bốc hơi tổng cộng hơn 249.000 tỉ đồng, tương đương hơn 10,5 tỉ USD.
Hiện, Vietcombank, BIDV và VietinBank đang là ba ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, lần lượt ở mức 237.739 tỉ đồng, 132.727 tỉ đồng và 70.745 tỉ đồng. Tổng vốn hóa thị trường của ba ngân hàng gốc quốc doanh này đạt 441.210 tỉ đồng, chiếm gần 60% vốn hóa toàn ngành.
Ngược lại, LienVietPostBank, Kienlongbank và NCB là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.329 tỉ đồng, 3.946 tỉ đồng và 3.404 tỉ đồng.
VCB dẫn đầu tăng giá
Trong tuần qua, chỉ có 3/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá với VCB là mã tăng mạnh nhất (tăng 4,2%).
Thị giá VCB đã tăng trở lại sau hai tuần giảm mạnh liên tiếp. Trước đó, VCB là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất ngành ngân hàng trong tuần 16/3 - 20/3 với mức giảm 13,4% và trong tuần 9/3 - 13/3, cổ phiếu này cũng đã giảm tới 16% .
Bên cạnh VCB, SHB ghi nhận mức tăng giá 3,3% trong tuần qua và là tuần tăng giá thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này. Trong khi VBB tăng 0,6% và KLB không thay đổi giá trong tuần.
Ở chiều ngược lại, có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá với STB là mã giảm mạnh nhất (16,2%).
Cùng với STB, thị giá của hàng loạt mã khác cũng giảm mạnh trong tuần qua như HDB (giảm 12,7%), LPB (giảm 11,8%), TPB (giảm 9,8%), MBB (giảm 8,8%), ACB (giảm 7,9%), TCB (giảm 7,8%)...
STB dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có gần 355,7 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt hơn 5.820 tỉ đồng; giảm 2,6% về khối lượng và giảm gần 12% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, STB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 47,2 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt 421 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là SHB với hơn 43,1 triệu cp, MBB gần 40,3 triệu cp, TCB với hơn 40 triệu cp, VPB với hơn 32,3 triệu cp, CTG với hơn 31,3 triệu cp và ACB với gần 28,2 triệu cp...
Ở chiều ngược lại, BAB, VBB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành. Trong đó, không có bất kì cổ phiếu KLB nào được giao dịch trong tuần qua.
10/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng
Trong tuần qua, 10/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản TPB tăng mạnh nhất với gần 11,7 triệu cp được trao tay, gấp gần 4 lần tuần trước đó.
Bên cạnh TPB, thanh khoản nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh như LPB (tăng 79,7%), MBB (tăng 31,4%), STB (tăng 22,1%),...
Ngược lại, có 8/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch của KLB giảm mạnh nhất (100%). Tương tự, thanh khoản của VBB cũng giảm gần 100% với chỉ hơn 5.000 cp được giao dịch.
Ngoài KLB và VBB, khối lượng giao dịch của VPB, HDB và EIB cũng giảm mạnh trong tuần.
TCB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 273,5 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 4.372 tỉ đồng, chiếm 77% về khối lượng và 75% về giá trị.
Gần 82,2 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.447 tỉ đồng. Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 26,4 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm gần 66% tổng khối lượng cổ phiếu TCB được giao dịch trong tuần.
Bên cạnh TCB, nhiều mã khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như VPB (gần 13,2 triệu cp), EIB (hơn 9,7 triệu cp), TPB (hơn 9 triệu cp)...
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Tính đến 20/3, tín dụng tăng trưởng 0,68%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kì năm trước tăng 2,54%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kì năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kì năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
NHNN chính thức can thiệp thị trường ngoại hối, bán USD rẻ hơn giá ngân hàng
Trước diễn biến căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, trong sáng ngày 24/3, NHNN giảm mạnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch 258 đồng (tương đương hơn 1%) xuống 23.650 VND/USD. Sau khi điều chỉnh, giá bán USD của NHNN hiện rẻ hơn từ 40 – 50 đồng/USD so với giá bán của các ngân hàng thương mại.
Sự điều chỉnh này được coi như một động thái nhằm thực hiện hóa cam kết giữ bình ổn thị trường thông qua việc bán can thiệp USD với giá thấp hơn tỷ giá niêm yết của NHNN.
Hỗ trợ thị trường, Fed tung gói QE không giới hạn
Trong thông báo phát đi vào ngày 23/3, Fed cho biết sẽ triển khai chương trình mua trái phiếu với số lượng không xác định trước để hỗ trợ thị trường hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, NHTW Mỹ cũng thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân.
Hàng loạt ngân hàng hoãn đại hội vì dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã thông báo hoãn lịch đại hội cổ đông thường niên 2020 dự kiến tổ chức cuối tháng này và đầu tháng tới.
Các ngân hàng đã thông báo hoãn đại hội gồm: Nam A Bank, TPBank, Techcombank, ACB, MBBank, SeABank, Eximbank.