Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB lao dốc mạnh, vốn hóa toàn ngành giảm thêm 2,7 tỉ USD
Vốn hóa toàn ngành giảm gần 2,7 tỉ USD
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (16/3 - 20/3), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 757.412 tỉ đồng, giảm 62.846 tỉ đồng (tương đương gần 2,7 tỉ USD) so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 13/3), tương ứng giảm 7,7%.
Tuần qua, vốn hóa của một loạt cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, vốn hóa Vietcombank giảm hơn 35.200 tỉ đồng, tương đương giảm 13,4%; vốn hóa VietinBank giảm hơn 8.000 tỉ đồng, tương đương giảm 9,8%; vốn hóa BIDV giảm hơn 7.600 tỉ đồng, tương đương giảm 5,4%.
Bên phía khối ngân hàng cổ phần tư nhân, vốn hóa VPBank giảm 3.500 tỉ đồng (tương đương 6,4%), vốn hóa Techcombank giảm 3.150 tỉ đồng (tương đương 4,9%), vốn hóa MBBank giảm 2.600 tỉ đồng (tương đương 6,4%)...
Đây là tuần thứ hai liên tiếp vốn hóa ngành ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong tuần trước, vốn hóa của ngành ngân hàng cũng giảm gần 169.000 tỉ đồng (tương đương hơn 7 tỉ USD).
VCB giảm giá mạnh nhất nhóm ngành ngân hàng
Trong tuần qua, có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá với VCB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (13,4%). Tuần trước, VCB cũng giảm tới 16% và là một trong những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất ngành ngân hàng. Tính lũy kế trong 2 tuần vừa qua, thị giá VCB đã giảm tổng cộng 27%, đồng thời vốn hóa cũng "bốc hơi" hơn 85.300 tỉ đồng.
Cùng với VCB, thị giá của hàng loạt mã khác cũng giảm mạnh như CTG (giảm 9,8%), HDB (giảm 9,1%), VPB và MBB (cùng giảm 6,4%), STB (giảm 5,8%), BID (giảm 5,4%)...
Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua gồm TPB (tăng 11,5%) và SHB (tăng 9,1%). Hai mã đứng giá trong tuần qua là VBB và BAB.
VPB dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần vừa qua có gần 365,2 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt hơn 6.595 tỉ đồng; giảm 34% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần 54,7 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt 1.175 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau VPB về thanh khoản tuần qua lần lượt là TCB với gần 45,6 triệu cp, SHB gần 40,3 triệu cp, STB với 38,7 triệu cp, CTG với 33,1 triệu cp và MBB với gần 30,7 triệu cp...
Ở chiều ngược lại, TPB, BAB và KLB tiếp tục là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 2,96 triệu cp, 1,97 triệu cp và 592 cp.
12/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản
Tuần qua, có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm. Trong đó, thanh khoản KLB giảm mạnh nhất với chỉ 592 cp được trao tay, giảm hơn 73% so với tuần trước đó.
Bên cạnh KLB, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng sụt giảm thanh khoản mạnh so với tuần trước như VIB (giảm 72,9%), SHB (giảm 57,5%), STB (giảm 56,6%), LPB (giảm 49,2%)...
Ngược lại, 6/18 cổ phiếu ngân hàng có khổi lượng giao dịch tăng. Trong đó, khối lượng giao dịch của TPB tăng mạnh nhất (66,5%). Cùng với TPB, khối lượng giao dịch của VPB, VBB và BAB cũng tăng mạnh trong tuần qua.
VPB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 225,9 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 4.435 tỉ đồng, chiếm 70% về khối lượng và 67% về giá trị.
Hơn 109,3 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 2.160 tỉ đồng. Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 33,5 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm hơn 60% tổng khối lượng cổ phiếu VPB được giao dịch trong tuần.
Bên cạnh VPB, nhiều mã khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như TCB (hơn 32,8 triệu cp), EIB (hơn 12,7 triệu cp) và VBB (12 triệu cp)...
Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Fed đột ngột hạ lãi suất về 0% và bơm tiền 700 tỉ USD vì COVID-19
Sau một cuộc họp bất thường ngày Chủ nhật (15/3), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố hạ lãi suất điều hành về 0% và thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng (QE) mới với qui mô 700 tỉ USD.
Ngoài ra, NHTW Mỹ cũng hạ lãi suất cho vay tái chiết khấu 1,25 điểm % xuống còn 0,25% và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc về 0% (hiệu lực từ 26/3/2020); khởi động kế hoạch hoán đổi tiền tệ (SWAP) đối với các NHTW Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu và Thụy Sỹ.
Việc Fed công bố một loạt biện pháp mạnh tay như trên trong cùng một ngày là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hơn 100 năm của ngân hàng trung ương này.
NHNN cắt giảm một loạt lãi suất điều hành
Trước diễn biến đại dịch virus corona (COVID-19) và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, NHNN đã quyết định giảm một loạt các loại lãi suất điều hành từ ngày 17/3. Đồng lời giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng) xuống 4,75%/năm và tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm (từ mức 0,8% trước đó).
UBND TP HCM yêu cầu các ngân hàng lùi đại hội cổ đông do dịch COVID-19
Nhằm hạn chế tiếp xúc đông người trong tình hình dịch bệnh COVID-19 cả nước đang rất phức tạp và diễn biến khó lường, UBND TP HCM vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh TP HCM tạm thời chưa tổ chức đại hội thành viên (đối với các Quĩ tín dụng nhân dân cơ sở) và đại hội đồng cổ đông thường niên (đối với các ngân hàng thương mại cổ phần) trên địa bàn thành phố trong thời điểm hiện nay.
VietinBank tiếp tục tăng qui mô gói tín dụng hỗ trợ lên gần 30.000 tỉ đồng
VietinBank cho biết sẽ gia tăng qui mô khoản vay ưu đãi lãi suất lên tới gần 30.000 tỉ đồng với lãi suất giảm mạnh nhất từ trước tới nay để hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Vietcombank xem xét mở dộng qui mô gói tín dụng hỗ trợ lên gần 30.000 tỉ đồng
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, Vietcombank cho biết đang xem xét mở rộng qui mô dư nợ được hỗ trợ có thể lên tới 120.000 tỉ đồng.
Ngân hàng cũng giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, cụ thể giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn; cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của Vietcombank.