Cổ phiếu ngân hàng bị 'vạ lây', STB và BID giảm mạnh với thanh khoản đột biến
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC bị bán tháo với lượng dư bán sàn hàng triệu đơn vị đã gây tâm lý tiêu cực trên toàn thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán lan rộng thị trường khiến cả bluechip lẫn penny đua nhau giảm sâu và VN-Index đã có lúc giảm hơn 25 điểm, về sát mốc 1.470 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền sôi động nhập cuộc giúp thị trường dần thu hẹp biên độ, chỉ số chính trên sàn HOSE trở về trên mốc 1.480 điểm và vẫn nằm trên vùng hỗ trợ.
Trong rổ VN30 có tới 24 mã giảm điểm, trong đó cặp đôi ngân hàng STB và BID dẫn đầu danh sách. Cụ thể,STB giảm 5,3% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 31.850 đồng/cp và BID giảm 4,3% xuống 41.600 đồng/cp.
Bên cạnh đó, thanh khoản của hai mã này cũng tăng đột biến. STB ghi nhận hơn 36 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên, gấp 3 lần so với phiên gần nhất và gấp 2 lần so với trung bình 10 phiên. Khối lượng giao dịch của BID cũng tăng mạnh lên gần 4 triệu đơn vị.
Trước đà bán tháo của cổ phiếu "họ" FLC, hai cổ phiếu này cũng bị "vạ lây" bởi đây là hai nhà băng cho Tập đoàn FLC vay nhiều nhất.
Chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Theo sát phía sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID).
Nhiều mã bluechip khác cũng đồng loạt nới rộng biên độ giảm so với phiên sáng như SHB (2,7%), HDB (2%), LPB (2%), MSB (1,8%)... Ngành ngân hàng chỉ còn các cổ phiếuVCB, TCB, MBB và EIB giảm dưới 1%.
Điểm sáng duy nhất là NVB, mặc dù không giữ được phong độ như phiên sáng nhưng vẫn tăng 3,1% lên 36.600 đồng/cp. Ngoài ra, SGB cũng tăng nhẹ 0,5%.
Thanh khoản ngành ngân hàng đạt 4.436 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay, tăng gần 55% so với phiên trước đó, tuy nhiên vẫn đứng sau nhóm bất động sản và xây dựng.
Diễn biến dòng tiền ngoại, lực mua và bán khá cân bằng nên quy mô bán ròng của nhóm này chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, NĐT bán mạnh CTG (22 tỷ đồng), BID (8 tỷ đồng) nhưng gom HDB (19 tỷ đồng) và STB (13 tỷ đồng).