|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hiệu ứng domino từ 'họ FLC': Nhóm BĐS đầu cơ chịu cảnh bán tháo, cổ phiếu hai chủ nợ lớn nhất của FLC giảm sâu

18:17 | 28/03/2022
Chia sẻ
Sự hoảng loạn của đám đông khiến khối lượng chất bán giá sàn ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, tổng khối lượng cổ phiếu dư bán sàn khi đóng cửa của các mã "nhà FLC" lên tới hơn 158 triệu đơn vị.

Phiên 28/3, các cổ phiếu nằm trong hệ sinh thái FLC và có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết diễn biến tiêu cực khi đồng loạt giảm sàn.

Tại HOSE, các mã FLC, HAI, AMD, ROS bị bán tháo ngay từ khi mở cửa. Tương tự trên sàn HNX, ART và KLF cũng "lau sàn" trong trạng thái "trắng bên mua". Chỉ có cổ phiếu GAB được cho là may mắn hơn khi không bị giảm sàn, tuy nhiên mã cũng không có giao dịch trong phiên hôm nay.

Sự hoảng loạn của đám đông khiến khối lượng chất bán giá sàn ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, tổng khối lượng cổ phiếu dư bán sàn khi đóng cửa của các mã "nhà FLC" lên tới hơn 158 triệu đơn vị.

Trong đó,  FLC dư bán sàn hơn 58,6 triệu cổ phiếu, ROS dư bán sàn gần 59,6 triệu đơn vị, KLF và AMD cũng bị chất bán giá sàn lần lượt là gần 13,9 triệu và 12,9 triệu đơn vị. Ngoài ra, HAI và ART cũng dư bán sàn đáng kể.

  Cổ phiếu họ FLC chất lệnh dư bán sàn kỷ lục trong phiên 28/3. (Nguồn: Bảng giá SSI). 

Đà bán lan rộng sang nhiều cổ phiếu bất động sản khiến ngành này chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã đầu cơ như DIG, HQC, LDG, VPH, QCG đều giảm kịch khung 6,8 - 7%. Riêng cổ phiếu HQC cũng dư bán sàn khối lượng lớn với gần 12,7 triệu đơn vị.

Thậm chí, hai cổ phiếu nhà băng là chủ nợ lớn nhất của FLC cũng liên đới giảm sâu. Tính đến ngày 21/12/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là bên cho vay lớn nhất với tổng dư nợ đạt hơn 1.840 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 1.747 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên hôm nay, STB và BID là hai mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 với tỷ lệ mất giá là 5,3% và 4,3%. Với mức vốn hóa lớn, cổ phiếu của BIDV trở thành là gánh nặng lớn nhất của thị trường trong phiên hôm nay. Riêng mã này đã lấy đi gần 2,4 điểm của VN-Index.

Hiện tượng bán tháo đồng loạt cổ phiếu FLC cũng được ghi nhận trong phiên 13/1. Khi đó các mã nhóm này chịu tác động tiêu cực từ việc bán cổ phiếu FLC mà không đăng ký của tỷ phú Trịnh Văn Quyết và sau đó là hàng loạt quyết định xử phạt hành chính của cơ quan quản lý nhà nước với vụ mua bán trong “âm thầm” này.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.