Cổ phiếu MWG và câu chuyện thoái vốn của quỹ ngoại
Trong tuần qua, giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động lập đỉnh 154.000 đồng/cp vào ngày 17/8. Và như thường lệ, mỗi khi cổ phiếu MWG tăng mạnh, các cổ đông ngoại lại liên tiếp đăng ký bán ra.
Khi CDH Electric Bee thoái vốn
Niêm yết HoSE vào tháng 7/2014 với giá dự kiến 85.000 đồng/cổ phiếu nhưng tới sát ngày niêm yết, giá cổ phiếu MWG được điều chỉnh xuống 68.000 đồng/cp, tương đương giảm 20%.
Tuy nhiên ngay trong 5 phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu MWG tăng kịch trần, lên mức 109.000 đồng/cp, tức tăng 60% so với giá chào sàn. MWG trở thành "hiện tượng" trên thị trường vào thời điểm đó.
Giá cổ phiếu MWG vẫn tiếp tục đi lên và lập đỉnh vào cuối tháng 2/2015 với giá 111.400 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Ngay đúng thời điểm này, cổ đông lớn CDH Electric Bee giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,27% xuống 5,27% bằng giao dịch thỏa thuận thông qua Trung tâm Lưu ký (VSD). Sau cú thoái vốn của CDH Electric Bee, giá cổ phiếu MWG liên tục giảm, có lúc xuống mức dưới 60.000 đồng/cp và sau đó đi ngang ở mức 70.000 đồng/cp trong thời gian gần một năm.
Và nhà đầu tư đi tìm câu trả lời cho việc giảm giá của cổ phiếu MWG? Vì kết quả kinh doanh xấu đi? Không hề. Năm 2015, MWG lãi ròng 1.076 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2014 và vượt 21% kế hoạch năm.
Câu chuyện "game thoái vốn" được đặt ra trong trường hợp này tại MWG. "Game thoái vốn" ám chỉ những cổ phiếu tăng nóng ngay trước khi một tổ chức nào thoái vốn nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất. Sau thoái vốn, cổ phiếu lại giảm về mức trước đó - thậm chí là thấp hơn.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG từ khi niêm yết |
Và khi Mekong Capital thoái vốn
Trong 3 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu MWG tăng từ 77.000 đồng lên 154.000 đồng/cp, tương đương gấp đôi. Và khi cổ phiếu MWG mạnh, đầu tháng 7, Mekong Capital đã bán ra 2,5 triệu cổ phần MWG theo phương thức thỏa thuận. Giữa tháng 8, quỹ này lại tiếp tục đăng ký bán 2,7 triệu cổ phần MWG và dự kiến giảm sở hữu xuống 7,39%.
Gần 11 triệu cổ phần còn lại, Mekong Capital sẽ tiếp tục bán ra cho tới khi quỹ này đóng quỹ vào năm tới.
Khi cổ phiếu MWG đang tại đỉnh, thì nhiều công ty chứng khoán đồng loạt nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu MWG. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - đơn vị tư vấn lên sàn cho MWG đã tăng giá mục tiêu cho cổ phiếu MWG lên 30%, từ 160.000 đồng lên 206.000 đồng/cp. Chứng khoán VNDirect (VND) cũng điều chỉnh tăng giá mục tiêu cho cổ phiếu MWG lên 182.000 đồng/cp từ mức giá 144.000 đồng/cp, tương đương tăng 26%.
Các công ty chứng khoán đưa ra lý do nâng giá mục tiêu do kết quả kinh doanh khả quan. 7 tháng đầu năm của MWG đạt 23.278 tỷ đồng (1,04 tỷ USD) doanh thu, tăng 80% cùng kỳ và LNST 981 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, MWG đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 79% kế hoạch lợi nhuận.
Kinh doanh khả quan là tiền đề về tiềm năng tăng trưởng của một cổ phiếu. Nhưng nhìn lại, không phải chỉ có 3 tháng qua, MWG kinh doanh tốt. Đều đặn từ đầu năm tới nay, mỗi tháng MWG đều đạt trên 130 tỷ đồng lãi ròng. Thậm chí, từ đầu năm tới nay thì tháng 1 ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất - 153 tỷ đồng. Thế nhưng, 5 tháng đầu năm, giá cổ phiếu MWG lình xình đi ngang trên dưới 75.000 đồng/cổ phiếu.
Thế nên, câu hỏi đặt ra là liệu giá cổ phiếu MWG có lại trượt dài sau đợt thoái vốn của Mekong Capital hay không - hay "game thoái vốn" có một lần nữa lặp tại tại cổ phiếu này?