|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo phiên thứ hai liên tiếp

06:51 | 26/07/2024
Chia sẻ
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục đi xuống trong bối cảnh các cổ phiếu công nghệ từng dẫn đầu thị trường tiếp tục bị bán tháo.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 25/7, chỉ số S&P 500 giảm 0,51% và đóng cửa ở mức 5.399 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng tụt 0,93% và chốt phiên với 17.182 điểm. 

Ở chiều ngược lại, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 81 điểm, tương đương 0,2% lên 39.935 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này từng tăng tới 585 điểm, tương đương khoảng 1,5%.

Ngoài ra, chỉ số Russell cũng tăng 1,26% trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục chuyển dịch từ cổ phiếu công nghệ sang nhóm vốn hóa nhỏ. 

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã giảm điểm trong phiên thứ ba liên tiếp. 

Thị trường đã bán tháo cổ phiếu công nghệ trong phiên thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu Nvidia mất 1,7% trong khi Advanced Micro Devices (AMD) giảm hơn 4%. ETF VanEck Semiconductor (SMH) cũng tụt gần 2%, trong khi Meta (Facebook) giảm 1,7%. Cổ phiếu Microsoft lao dốc khoảng 2,5%, trong khi Alphabet (Google) tụt hơn 3%.

“Một sự thay ca đang diễn ra trên Phố Wall, các cổ phiếu AI từng kéo thị trường lên cao nay lại đi xuống”, ông Adam Sarhan, CEO của 50 Park Investments, nhận định. 

Vị CEO cho biết thêm rằng những sự chuyển dịch như vậy không hề hiếm khi thị trường trong xu hướng giá lên. “Khi thị trường đi lên, sẽ có một lĩnh vực dẫn đầu, sau đó tạm dừng, điều chỉnh và chuyển cho một lĩnh vực khác” như trong cuộc chạy đua tiếp sức, ông nói. 

Cổ phiếu Nvidia đã xuống thấp nhất trong gần 2 tháng. 

Ngoài lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Ford Motor cũng giảm 18,4%, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008 sau khi hãng xe Mỹ công bố lợi nhuận quý II thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích.

Cổ phiếu ServiceNow tăng 13% nhờ lợi nhuận vượt kỳ vọng, đánh dấu phiên giao dịch tốt nhất kể từ năm 2019.

Ngoài ra, cổ phiếu Edwards Lifesciences giảm 31% trong ngày tồi tệ nhất từ năm 2000 do việc hạ triển vọng kinh doanh cho một liệu pháp điều trị y tế. 

Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông bị bán tháo mạnh, trong khi năng lượng, công nghiệp ghi nhận kết quả tích cực. 

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã xem xét báo cáo GDP quý II. Kết quả cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 2,8%, cao hơn so với dự kiến. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát từng dự báo kết quả là 2,1%. Trong quý đầu năm, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,4%. 

Cũng theo báo cáo, nền kinh tế Mỹ ghi nhận một số tin tốt về lạm phát. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - tăng 2,6% trong quý II, giảm so với mức 3,4% trong quý I.

Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi tăng 2,9%. Kết quả này cũng đi xuống đáng kể so với kết quả 3,7% ghi nhận vào quý I.

 

Minh Quang