|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu BĐS công nghiệp, dệt may lại đỏ lửa, nhiều mã giảm sàn

15:25 | 15/04/2025
Chia sẻ
Các đại diện lĩnh vực dệt may, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục lao dốc trong phiên 15/4, riêng SIP, KBC, SZC, MSH, GVR giảm sàn.

Áp lực cung xuất hiện ngay từ đầu phiên 15/4 khiến nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đồng loạt giảm sâu. Đà bán tháo tăng mạnh từ cuối phiên sáng và duy trì suốt phiên chiều, kéo nhiều mã chạm sàn.

GVR giảm sàn từ cuối phiên sáng và duy trì mức giá thấp nhất cho đến khi kết phiên tại 24.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch đạt gần 7 triệu đơn vị, trong đó 43% khớp tại giá sàn.

KBC cũng ghi nhận xu hướng tiêu cực tương tự, mất giá dần trong phiên và đóng cửa tại mức sàn 22.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh đạt gần 22 triệu đơn vị, với 26% giao dịch tại giá sàn.

Một số cổ phiếu khác kết phiên tại mức giá sàn có thể kể đến như SIP, SZC. Ngoài ra, nhóm khu công nghiệp còn ghi nhận mức giảm mạnh từ 3–9% ở các mã như NTC, IDC, VRG, LHG, BCM, TIP, SZB.

Diễn biến tiêu cực của nhóm khu công nghiệp diễn ra trong bối cảnh nhóm bất động sản nói chung cũng điều chỉnh mạnh. Các mã như NRC, SGR, DHR giảm sàn, trong khi HDC, SSH, API, NTL, DIG, PDR… mất từ 4–6%.

Cùng với khu công nghiệp, dệt may là nhóm ngành chịu áp lực bán mạnh trong phiên 15/4.

Tiêu biểu, MSH giảm sàn trong phiên chiều do lượng cung tăng đột biến. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 717.000 cổ phiếu, trong đó 28% là giao dịch tại giá sàn.

Các mã khác như TCM, TNG, GIL, STK đồng loạt giảm từ 4–5%. Áp lực bán cũng hiện diện ở VGT, M10, EVE, AAT, dù mức giảm khiêm tốn hơn, dưới 3%.

 Kết quả giao dịch khớp lệnh phiên 15/4 của một số cổ phiếu khu công nghiệp, dệt may. (Nguồn: SSI).

Tính chung hai phiên đầu tuần, nhóm khu công nghiệp và dệt may đều quay đầu điều chỉnh sau hai phiên tăng điểm vào ngày 10–11/4 nhờ hiệu ứng phục hồi của thị trường chung. Lực bán gia tăng phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ, đặc biệt với các nhóm ngành xuất khẩu.

Thị trường phiên 15/4 ghi nhận sự phân hóa rõ nét. Chỉ số VN-Index giảm gần 14 điểm, lùi về dưới mốc 1.230 điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản, dệt may, năng lượng, cao su, tài chính và thực phẩm là những lực kéo chính khiến chỉ số đi xuống.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu đơn lẻ như VIC, VCB, VHM, HPG, HAG, GEE, NVL, VGC, GEX, TMP trở thành điểm tựa, góp phần kìm hãm đà giảm của thị trường.

Theo nhận định của ông Trần Hoàng Sơ, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank (VPBankS), các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, dệt may và logistics vẫn chưa ghi nhận tín hiệu bứt phá rõ rệt do còn chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu và xu hướng gia tăng các rào cản thương mại trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển về các nhóm ngành có tính dẫn dắt như tài chính, công nghệ và thép – những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế nội địa.

Cụ thể, nhóm ngân hàng và chứng khoán đang thu hút sự quan tâm nhờ kết quả kinh doanh cải thiện và vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chỉ số. Bên cạnh đó, các cổ phiếu công nghệ như FPT hay nhóm liên quan đến Tập đoàn Viettel tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Xuân Nghĩa

Hé lộ bức tranh KQKD ngành chứng khoán quý I/2025: MBS, HDS, Kafi, DSC… công bố BCTC
Trong số những cái tên đầu tiên của ngành chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I, MBS, Kafi ghi nhận tăng trưởng, trong khi HDS, DSC giảm lợi nhuận.