|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTCK tăng trưởng thận trọng giữa nhiều ẩn số vĩ mô

09:08 | 15/04/2025
Chia sẻ
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp, với nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng đồng thời cũng tồn tại không ít rủi ro tiềm ẩn. Nhà đầu tư nên duy trì chiến lược thận trọng trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.

VN-Index vẫn có thể đạt 1.400 điểm

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 14/4, theo phân tích củaCông ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), trong kịch bản cơ sở mang tính thận trọng, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên sàn có thể tăng trưởng từ 15–20% so với năm trước. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp VN-Index có thể tiến dần đến vùng mục tiêu 1.400 điểm vào cuối năm nay, nếu các yếu tố vĩ mô không có biến động quá tiêu cực.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá cao trong ngắn hạn mà cần quan sát kỹ lưỡng diễn biến của các yếu tố như lạm phát tại Mỹ, xu hướng lãi suất toàn cầu và biến động địa chính trị. Đồng thời, việc lựa chọn cổ phiếu cũng cần dựa trên phân tích dữ liệu thực tế, thay vì cảm tính hoặc chạy theo sóng ngắn hạn.

Các động lực hỗ trợ thị trường trong năm 2025 được xác định bao gồm: đà phục hồi kinh tế hậu COVID-19, dòng vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tiêu dùng nội địa tăng trưởng tích cực và đặc biệt là sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản – vốn có vai trò lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề khác.

Ngành thép: Tận dụng cầu nội địa, giảm phụ thuộc xuất khẩu

Đối với ngành thép, một trong những lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách thương mại toàn cầu, ông Sơn đánh giá tác động từ căng thẳng thương mại hiện nay là có thật, nhưng không đến mức quá nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường đang siết chặt như Mỹ hay châu Âu chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Thay vào đó, thị trường trong nước được dự báo sẽ là động lực chính giúp ngành thép hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tăng tốc các dự án hạ tầng giao thông và khơi thông thị trường bất động sản sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng lên đáng kể.

Một số doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát (HPG) hiện đang duy trì được sản lượng sản xuất ổn định, đồng thời có tiềm lực tài chính tốt để mở rộng công suất và đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Mặt bằng định giá cổ phiếu ngành thép sau nhiều tháng điều chỉnh cũng đang trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trung – dài hạn.

 Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. (Ảnh: VPBankS).

Dòng tiền tập trung vào nhóm tài chính, công nghệ và thép

Quan sát thị trường thời gian gần đây, giới phân tích ghi nhận sự phân hóa rõ nét trong dòng tiền đầu tư. Dòng vốn có xu hướng chảy mạnh vào các nhóm ngành mang tính dẫn dắt như tài chính, công nghệ và thép – những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ quá trình hồi phục kinh tế trong nước.

Cụ thể, nhóm ngân hàng và chứng khoán đang thu hút dòng tiền lớn nhờ kết quả kinh doanh cải thiện và vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chỉ số. Bên cạnh đó, cổ phiếu công nghệ như FPT hay nhóm Viettel tiếp tục cho thấy xu hướng tăng trưởng bền vững, cả về doanh thu và lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, dệt may hay logistics vẫn chưa ghi nhận sự bứt phá đáng kể, do còn đối mặt với nhiều thách thức từ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu và các rào cản thương mại đang được dựng lên tại nhiều quốc gia.

Chiến tranh thương mại: Rủi ro hiện hữu nhưng chưa phải yếu tố chi phối

Về xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, ông Sơn cho rằng đây là một rủi ro hiện hữu nhưng không còn mang tính chi phối như giai đoạn trước. Thị trường tài chính toàn cầu đã phần nào phản ánh các rủi ro này vào giá tài sản.

Tuy nhiên, phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ông có thể sẽ linh hoạt hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử và viễn thông – vốn đang là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thêm vào đó, việc Mỹ tạm thời dỡ bỏ thuế đối với một số mặt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là tín hiệu cho thấy chính sách thương mại Mỹ vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh và chưa đi đến giai đoạn áp đặt mới.

Một diễn biến đáng chú ý khác là việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây do áp lực bán tháo từ khối nhà đầu tư tổ chức. Điều này khiến mặt bằng lãi suất toàn cầu khó có khả năng giảm sâu, đồng thời kéo theo sự suy yếu của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, vàng tiếp tục trở thành kênh trú ẩn ưu tiên khi giá đã vượt mốc 3.200 USD/ounce – thiết lập mức đỉnh lịch sử mới. Xu hướng này phản ánh sự thận trọng và lo ngại ngày càng gia tăng của giới đầu tư đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.

Hệ thống công nghệ mới: Mở rộng nền tảng cho thanh khoản và sản phẩm phái sinh

Ở góc độ hạ tầng thị trường, hệ thống giao dịch mới – do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) triển khai – được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE Russell và MSCI.

Theo VPBankS, khi đi vào vận hành ổn định, hệ thống không chỉ giúp tăng tốc độ khớp lệnh, giảm thiểu lỗi kỹ thuật mà còn mở ra khả năng triển khai các sản phẩm tài chính hiện đại như giao dịch bán khống, T+0, hay giao dịch phái sinh mở rộng.

Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ các công cụ mới này vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm, dự kiến từ 3–6 tháng sau khi hệ thống hoạt động ổn định.

Dù vậy, với kỳ vọng từ phía nhà đầu tư và cơ quan quản lý, hệ thống mới sẽ là bước đệm quan trọng giúp gia tăng thanh khoản toàn thị trường, đặc biệt tại các công ty chứng khoán có hệ thống khách hàng cá nhân lớn.

Xuân Nghĩa