Vì sao chứng khoán Mỹ rơi khỏi đỉnh lịch sử trong phiên đầu tuần?
Chỉ số S&P 500 giảm 0,91% còn 4.669 điểm, còn cách đỉnh lịch sử trong ngày (intraday) khoảng 1,6%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,39% và đóng cửa ở 15.413 điểm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 320 điểm, tương ứng 0,89%, và kết phiên ở 35.651 điểm. Dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu Boeing, mất 3,7%.
Cổ phiếu hàng không và du thuyền nằm trong nhóm sa sút nhất trong phiên 13/12. American Airlines và Delta Air Lines mất lần lượt 4,9% và 3,4%. United Airlines và Carnival Corp. giảm tương ứng 5,2% và 4,9%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất thị trường trong khi các nhóm năng lượng, tài chính và công nghệ kéo S&P 500 đi xuống. Giá dầu thô Brent ngày 13/12 giảm hơn 1% còn 74,39 USD/thùng.
Cổ phiếu Moderna bật tăng 5,8% sau khi Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci khẳng định tiêm mũi vắc xin COVID bổ sung là "liệu pháp tối ưu" nhưng định nghĩa về việc tiêm chủng đầy đủ vẫn không thay đổi.
Hiện nay, một người được coi là đã đạt miễn dịch nếu đã tiêm hai mũi vắc xin Pfizer-BioNTech, hoặc AstraZeneca-Oxford, hoặc Moderna, hoặc một mũi Johnson & Johnson.
Các nhà nghiên cứu Israel tại Trung tâm Y tế Sheba và Phòng Thí nghiệm Virus Trung ương ngày 11/12 đã kết luận rằng việc tiêm ba mũi vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả chống lại chủng Omicron. Giá cổ phiếu Pfizer tăng 4,6% trong phiên 13/12. Nhóm cổ phiếu y tế trong chỉ số S&P 500 tăng 0,92%.
Biến chủng mới đã buộc nhiều chính phủ phải tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để giảm lây lan. Mỹ hiện đang tiến gần đến mốc 800.000 người tử vong vì COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/12 xác nhận ít nhất một bệnh nhân nhiễm Omicron đã tử vong tại Anh.
CNBC dẫn lời ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Leuthold Group nhận định: "Có rất nhiều mối lo ngại, từ một thị trường hồi phục quá nhanh lên đỉnh mới cho đến những nguy cơ thường trực của COVID-19. Nhưng có lẽ mối quan ngại lớn nhất hôm nay và vài ngày tới sẽ là Fed và chính sách tiền tệ sau cuộc họp tuần này".
Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ trong tuần trước, S&P 500 ghi nhận tuần tích cực nhất kể từ tháng 2 và kết phiên ngày thứ Sáu ở đỉnh lịch sử, bất chấp số liệu lạm phát lên cao nhất 39 năm.
Dow Jones tăng 4% trong tuần trước, chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp và đánh dấu thành tích khả quan nhất kể từ tháng 3.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/12 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 và cao hơn so với dự báo 6,7% mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.
Số liệu lạm phát tăng sốc được công bố chỉ ít hôm trước khi Fed họp trong hai ngày 14-15/12. Gần đây, Chủ tịch Jerome Powell và nhiều quan chức khác của Fed đều nhắc đến khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD/tháng sớm hơn so với lộ trình vào tháng 6/2022 đã thông báo trước đó.
Kết thúc bơm tiền sớm hơn đồng nghĩa với việc lãi suất nhiều khả năng cũng sẽ được Fed nâng lên sớm hơn, khiến nhà đầu tư quan ngại.
Ông Jim Paulsen nói: "Trước nguy cơ Fed sắp thắt chặt tiền tệ, nhà đầu tư đang bán tháo tất cả những tài sản bị cho là rủi ro trên thị trường, chỉ ngoại trừ các nhóm có tính phòng thủ như cổ phiếu vốn hóa lớn, trái phiếu và đồng USD. Từ giờ cho đến khi phiên họp của Fed và cuộc họp báo sau đó kết thúc, nhà đầu tư nên chuẩn bị cho việc tâm lý sợ hãi chi phối thị trường chứng khoán Mỹ".