|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu bảo hiểm đồng loạt tăng giá, BVH và BMI kịch trần sau thông tin Bộ Tài chính đề nghị SCIC thoái vốn

15:59 | 25/10/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu BVH và BMI tăng kịch trần sau khi Bộ Tài chính gửi văn bản tới SCIC đề nghị đơn vị này tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt và Tổng CTCP Bảo Minh. Nhiều cổ phiếu bảo hiểm khác cũng diễn biến tích cực.

Phiên giao dịch đầu tuần (25/10), nhóm cổ phiếu bảo hiểm gây chú ý trên thị trường khi đồng loạt "bùng nổ" cả về giá lẫn thanh khoản.

Sau thông tin về việc thoái vốn nhà nước, giá cổ phiếu BMI và BVH diễn biến tích cực ngay từ đầu phiên và kết phiên tăng kịch trần lên mức lần lượt là 44.500 đồng/cp và 64.500 đồng/cp. Trong đó, thanh khoản của cổ phiếu BMI đạt hơn 2,7 triệu đơn vị, cao nhất trong 3 tháng trở lại.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị đơn vị này tập trung thoái vốn tại ba doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo Minh và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Tại Bảo Việt và Bảo Minh, SCIC đang sở hữu lần lượt là 3,26% và 50,7% vốn cổ phần.

Bên cạnh hai mã trên, cổ phiếu VNR của Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam cũng tăng kịch trần lên mức 42.900 đồng/cp, sát với mức đỉnh kỷ lục hồi giữa tháng 9. VNR đang là một trong những mã bảo hiểm có hiệu suất ấn tượng nhất với mức tăng 260% tính từ đầu năm đến nay.

Ở một diễn biến khác, cổ phiếu PVI đã tiếp tục lập mức đỉnh mới tại 53.100 đồng/cp sau khi tăng 7,1% phiên hôm nay. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu này đã tăng hơn 78%.

Ngoài ra, một số mã bảo hiểm khác như PTI, PRE, BLI... đều đạt mức tăng trên 2% khi kết phiên. Duy nhất của phiếu ABI của Bảo hiểm Agribank đứng giá tham chiếu tại mức 71.700 đồng/cp.

Cổ phiếu bảo hiểm đồng loạt tăng giá, BVH và BMI kịch trần sau thông tin Bộ Tài chính đề nghị SCIC thoái vốn - Ảnh 1.

Cổ phiếu bảo hiểm đồng loạt tăng giá. (Ảnh: VNDirect).

Bên cạnh thông tin về việc thoái vốn nhà nước, giới phân tích kỳ vọng ngành bảo hiểm trong những tháng cuối năm có thể hưởng lợi từ việc tỷ lệ bồi thường giảm xuống, nghiệp vụ bán buôn dẫn dắt tăng trưởng doanh thu.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp sẽ phục hồi từ quý IV khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế.

Mới đây, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) khi những quy định cũ dần bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp với quốc tế,...

Theo các chuyên gia, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý đồng thời đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường.

Lê Huy