|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Có nên đưa các yếu tố định tính vào tiêu chuẩn niêm yết cổ phiếu?

16:16 | 20/06/2019
Chia sẻ
Sáng 20/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức khởi động dự án Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Dự án nhằm giúp cho SSC và các Sở giao dịch được tăng cường trong việc thực thi, nhằm mục đích cuối cùng hướng đến các nhà đầu tư và cổ đông doanh nghiệp.

Bốn cấu phần của dự án bao gồm: thanh tra giám sát thị trường; giám sát các trung gian thị trường; quản lý niêm yết và quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng (tập trung và phương thức dựng sổ) và nâng cao nhận thức về "trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư".

Dự án dự kiến kéo dài trong ba năm gồm ba giai đoạn: GĐ 1 khảo sát đầu kỳ (tháng 4 – 5/2019); GĐ 2 triển khai đào tạo, tư vấn (từ tháng 7/2019) và cuối cùng là hỗ trợ vận hành từ năm 2021.

2019-06-20 04

Hội thảo Nâng cao năng lực và tính minh bạch cho thị trường cổ phiếu Việt Nam (Ảnh: BM)

Theo kết quả của báo cáo khảo sát đầu kỳ, nhóm tư vấn JICA đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán như quyết định thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, quyết định tái cấu trúc thị trường chứng khoán hay luật chứng khoán sửa đổi dự kiến được ban hành năm 2020…

Đại diện nhóm tư vấn cho rằng, sáp nhập các sàn chứng khoán là xu hướng chung trên thế giới, ngay tại Nhật Bản cũng từng có 9 sở giao dịch chứng khoán, hiện đã sáp nhập chỉ còn 5 sở.

Kết quả đầu tiên của nhóm tư vấn JICA liên quan đến việc giám sát thị trường đối với các giao dịch không công bằng như thao túng thị trường và giao dịch nội gián. Đại diện của JICA cho biết, những quy định chặt chẽ hơn sẽ được thể hiện trong luật chứng khoán sửa đổi, giao dịch không công bằng là không thể chấp nhận được trên thị trường.

Kết quả thứ hai là giám sát đối với các trung gian thị trường. Theo nhóm tư vấn, SSC đang cân nhắc việc quản lý giám sát dựa trên rủi ro đối với các công ty chứng khoán. Nhóm cho rằng, việc giám sát công ty thành viên bởi HOSE và HNX cũng có thể là một phần quan trọng trong khuôn khổ giám sát các công ty chứng khoán. Ngoài ra hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán có khả năng đóng góp vai trò lớn hơn trong tương lai.

Kết quả thứ ba là quản lý quá trình niêm yết và chào bán công khai. Theo nhóm tư vấn JICA, song song việc ứng dụng luật chứng khoán sửa đổi và thành lập Sở GDCK Việt Nam, các yêu cầu về niêm yết hiện hành cũng sẽ được ra soát lại.

Các điều kiện niêm yết hiện tại ở Việt Nam hiện chỉ có các yêu cầu định lượng (mang tính hình thức) mà chưa có các quy định định tính (mang tính thực chất). Sắp tới sẽ phải thảo luận có nên đưa các tiêu chuẩn định tính hay không.

Tại Nhật Bản, các tiêu chuẩn định tính được áp dụng như tính sinh lời liên tục của doanh nghiệp, lành mạnh trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, tính chính xác trong công bố thông tin… hay các mối quan hệ thân thiết trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo nhóm tư vấn, nếu những yêu cầu về định tính được cho vào, quy trình niêm yết có thể mất nhiều thời gian hơn hiện nay. Bên cạnh vấn đề năng lực của sàn giao dịch chứng khoán, dịch vụ tư vấn niêm yết của các công ty chứng khoán sẽ ngày càng được coi trọng do các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn, cần tư vấn nhiều hơn khi thực hiện niêm yết cổ phiếu.

Trên thị trường thế giới, những yêu cầu về định tính rất được coi trọng nhằm mục đích duy trì chất lượng của các công ty niêm yết cho các nhà đầu tư. Những yêu cầu định tính nếu được áp dụng sẽ được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư trên toàn cầu, nhóm tư vấn của JICA cho biết.

Kết quả thứ tư về trách nhiệm bảo vệ các cổ đông, qua khảo sát một số doanh nghiệp, nhóm tư vấn cho rằng những người quản lý của một số công ty niêm yết đã hiểu về trách nhiệm của nhà đầu tư. Tại Việt Nam cũng có một số chương trình về quản trị doanh nghiệp như Viện thành viên HĐQT (VIOD) cũng đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc nâng cao nhận thức của các lãnh đạo.

Tuy nhiên theo đại diện của JICA, vẫn còn có nhiều vấn đề cần cải thiện, thức bảo vệ nhà đầu tư phải liên tục tăng cường, trong thời gian tới phải tập trung vào tăng khả năng quản trị doanh nghiệp.

Tại buổi khởi động dự án, cũng có ý kiến góp ý về những vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam: như lãnh đạo doanh nghiệp nhiều khi vì lợi ích cá nhân, họ chưa muốn quản trị theo phương pháp mới. Hay việc tăng tính định tính trong tiêu chuẩn niêm yết đòi hỏi thời gian xem xét hồ sơ lâu hơn và phụ thuộc vào cảm tính của người xem xét…

Đông A