|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cơ hội và thách thức cho ngành Chứng khoán trong các FTA thế hệ mới

20:35 | 18/02/2018
Chia sẻ
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) trao đổi về những tác động, khó khăn, thách thức mà các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại cho ngành Chứng khoán của Việt Nam.
co hoi va thach thuc cho nganh chung khoan trong cac fta the he moi Chứng khoán sẽ bùng nổ năm Mậu Tuất từ mở hàng 140 tỷ USD vốn hóa
co hoi va thach thuc cho nganh chung khoan trong cac fta the he moi Năm 2018, cơ hội cho những nhà đầu tư vàng?
co hoi va thach thuc cho nganh chung khoan trong cac fta the he moi Thị trường chứng khoán năm Mậu Tuất qua góc nhìn phong thủy

Hội nhập kinh tế thông qua việc tham gia các FTA lâu nay đã trở thành một xu thế phổ biến. Nếu như các FTA truyền thống trước đây chỉ liên quan đến lĩnh vực hàng hóa đơn thuần thì các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, đòi hỏi mức độ mở cửa sâu rộng hơn trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có dịch vụ tài chính - chứng khoán. Để hiểu rõ hơn những tác động cũng như những khó khăn, thách thức mà các FTA thế hệ mới mang lại cho Việt Nam, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ về vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết đặc điểm của các FTA thế hệ mới là gì và hiện Việt Nam đang tham gia những FTA thế hệ mới nào?

co hoi va thach thuc cho nganh chung khoan trong cac fta the he moi
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Vũ Chí Dũng: Thuật ngữ “thế hệ mới” hoàn toàn mang tính tương đối, được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện với những cam kết sâu rộng chưa từng có và ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ. Các FTA thế hệ mới bao trùm cả những nội dung trước đây vốn được coi là “phi thương mại” như lao động và môi trường, bởi bối cảnh thương mại quốc tế ngày nay đã thay đổi.

Khi các vòng đàm phán thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa thể có bước đột phá, các FTA thế hệ mới - được coi như những hiệp định “WTO cộng” - đang là giải pháp có tính khả thi để các nước thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, cạnh tranh, nâng cao các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, mua sắm công, minh bạch hóa, phát triển bền vững…

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán một số FTA thế hệ mới với các đối tác lớn trên thế giới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (nay được chuyển thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ngoài mục đích chung là tăng cường xuất khẩu, tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tăng cường vị thế và hình ảnh đất nước, các FTA thế hệ mới cũng làm gia tăng sức ép đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.

Sự đa dạng và phức tạp của các quy tắc và nghĩa vụ tuân thủ trong các FTA thế hệ mới có thể sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Bên cạnh đó, sự tương đồng về lợi thế cạnh tranh, cũng như chênh lệch về trình độ phát triển của các nước tham gia cũng dễ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hoặc có các rào cản lớn để các bên đàm phán được một FTA toàn diện.

Với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết về tự do hóa cao, đặc biệt là việc loại bỏ các rào cản pháp lý để cho phép đối tác nước ngoài được tham gia thị trường trong nước, các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP hoặc EVFTA chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK).

Xin ông cho biết các cam kết trong FTA thế hệ mới sẽ mang lại những cơ hội gì cho TTCK Việt Nam?

Tham gia vào các FTA thế hệ mới sẽ mở ra cho TTCK Việt Nam nhiều cơ hội và tiềm năng mới, giúp chúng ta phát triển nhanh, bền vững và khẳng định vị trí của mình trong khu vực cũng như trên thế giới, cụ thể:

Thứ nhất, các cam kết về dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ chứng khoán nói riêng trong các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính/chứng khoán ở Việt Nam gồm:

- Mở rộng cam kết trong việc mở cửa thị trường, tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn cho các nhà ĐTNN: So với cam kết WTO, Việt Nam cam kết sẽ mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: (i) Mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới; (ii) Dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng;

- Cơ chế bảo hộ nhà ĐTNN được củng cố: Mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu (MST). Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: Nhà nước với Nhà nước, nhà đầu tư với nhà nước, đặc biệt cơ chế nhà đầu tư với Nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các Nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả.

- Đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước: các FTA thế hệ mới đều cho phép các nước áp dụng các ngoại lệ cần thiết, tạo ra không gian chính sách gồm các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, an toàn. Việc thực hiện cam kết đảm bảo không gian chính sách này chính là để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.

Thứ hai, các cam kết trong FTA thế hệ mới giúp từng bước gỡ bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa, làm tăng cơ hội để hàng hóa trong nước tiếp cận nhiều hơn tới thị trường quốc tế với các điều kiện ưu đãi hơn, giúp các doanh nghiệp kinh doanh mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Từ đó, cổ phiếu của những ngành này sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng và đi lên tích cực của TTCK.

Đối với các công ty niêm yết (CTNY), quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhu cầu định giá doanh nghiệp, nhu cầu phát hành, tìm đối tác chiến lược, tìm thị trường niêm yết (trong nước, nước ngoài) sẽ là những yếu tố tăng cầu đối với dịch vụ của các công ty chứng khoán (CTCK). Như vậy, các tổ chức trung gian tài chính là CTCK và công ty quản lý quỹ (CTQLQ), là nhóm ngành sinh lời từ sự sôi động của TTCK, sẽ tăng mạnh lợi nhuận ở cả mảng tự doanh cũng như môi giới.

Thứ ba, cam kết trong FTA thế hệ mới buộc các doanh nghiệp trong nước - trong đó có các công ty đại chúng (CTĐC)/CTNY phải đổi mới, tái cấu trúc, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về QTCT, quản trị rủi ro, công bố thông tin (CBTT)… để hoạt động có hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối với các CTCK/CTQLQ trong nước, mặt tích cực của sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường khi các Hiệp định này có hiệu lực sẽ buộc các CTCK/CTQLQ trong nước phải tăng cường tái cấu trúc, đổi mới hoạt động và tăng khả năng tích lũy, tích tụ để tiềm lực trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn, từ đó giữ vững được vị trí của mình trước xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế. Từ đó, làm cho vị thế của các CTCK/CTQLQ ở Việt Nam sau sáp nhập, tái cơ cấu sẽ được nâng lên cả về lượng và chất, không những sẽ giúp thị phần trong nước được kiểm soát, bảo vệ, tăng trưởng, mà còn là cơ sở để phát triển kinh doanh ra các nước khác trong khối, góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững.

Thứ tư, các Hiệp định như EVFTA hay CPTPP được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút ĐTNN, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua TTCK. Với các yêu cầu cam kết có độ mở sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP và các nước thành viên EU dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ khi Hiệp định có hiệu lực, từ đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trên thực tế, làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam gia tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, các nhà ĐTNN vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước đã gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các chính sách mới đây của Việt Nam như việc thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản…, cùng với việc nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN1 đối với các CTĐC trên TTCK sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.

Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) từ các nước phát triển cũng sẽ có tác động mạnh mẽ đến TTCK, giúp cho TTCK minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những dao động “phi thị trường” và góp phần giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…).

Bên cạnh cơ hội, các FTA này sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức gì đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam, thưa ông?

Cam kết của các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP đều ở mức cao và không có nhiều ngoại lệ, do vậy, bên cạnh các thuận lợi mang lại khi được tham gia vào một mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn với các đối tác có trình độ phát triển, thì cũng có không ít thách thức cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Một là, TTCK Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn trên cả 3 cấp độ khi mở cửa thị trường: (i) Cạnh tranh giữa sản phẩm/dịch vụ trong nước và nước ngoài; (ii) Cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; (iii) Cạnh tranh giữa các chính phủ về thể chế và môi trường kinh doanh - và đây là yếu tố có tính chất quyết định.

Hai là, việc mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại dịch vụ và đầu tư trong các FTA thế hệ mới, mở rộng sự tham gia của các bên nước ngoài, sự kết nối/liên thông với các thị trường tài chính/chứng khoán khu vực và quốc tế, sự luân chuyển của dòng vốn ra/vào sẽ làm cho thị trường tài chính trong nước nói chung và TTCK nói riêng trở nên nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và còn tiềm ẩn nguy cơ cao khi cơ sở hạ tầng chứng khoán không phát triển tương ứng với thị trường.

Đồng thời, kết hợp với xu thế mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, thì đây cũng sẽ là những thách thức đối với việc giám sát, quản lý rủi ro, duy trì sự phát triển bền vững của TTCK, đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

Ba là, thị trường phát triển về quy mô, đa dạng về sản phẩm cũng là sức ép đối với các nhà quản lý bao gồm yêu cầu phải đảm bảo sự phát triển lành mạnh và hiệu quả của thị trường, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và cộng đồng, khả năng giải quyết tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh, vấn đề đạo đức nghề nghiệp, quản lý/giám sát các luồng đầu tư gián tiếp, đặc biệt là đầu tư ngắn hạn, phát hiện và xử lý các hành vi thao túng/các phương thức gian lận mới trên TTCK.

Bốn là, thách thức mang lại cũng không phải là nhỏ trong bối cảnh một số chính sách hiện nay còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số chính sách thuộc lĩnh vực tài chính/chứng khoán chưa được gắn kết chặt chẽ và đảm bảo mối quan hệ hài hòa với các chính sách tiền tệ, tín dụng, thương mại và đầu tư, qua đó chưa đảm bảo phát huy được tác dụng tối đa của hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô đối với nền kinh tế.

Năm là, đối với xây dựng pháp luật trong nước về dịch vụ tài chính mới, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam, đặc biệt là chứng khoán Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, năng lực quản lý còn hạn chế. Do vậy, cần hết sức thận trọng đối với những dịch vụ chứng khoán chưa từng xuất hiện ở Việt Nam nhưng có thể đã triển khai ở các nước khác.

Xét ở góc độ hoàn thiện pháp luật và thể chế thị trường, theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua những thách thức do các FTA thế hệ mới mang lại?

Để có thể tận dụng và phát huy được những cơ hội và giảm thiểu các tác động bất lợi, vượt qua được những thách thức đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam, việc hoàn thiện pháp luật và thể chế cần được chú trọng vào các mục tiêu cơ bản như:

(i) Minh bạch hóa thị trường, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng:

+ Tiếp tục cắt giảm/đơn giản hóa các thủ tục hành chính;

+ Đảm bảo quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư về quyền tiếp cận thông tin: chế tài điều chỉnh hoạt động CBTT, CBTT bằng tiếng Anh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về tỷ lệ sở hữu nước ngoài…;

+ Xây dựng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về CBTT, QTCT, quản trị rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư, báo cáo tài chính.

(ii) Xây dựng các biện pháp quản lý thận trọng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong nước, công chúng cũng như thị trường dịch vụ trong nước còn khá non trẻ trước sức ép cạnh tranh từ các nước lớn.

(iii) Tháo gỡ vướng mắc/các vấn đề còn vênh nhau giữa pháp luật chứng khoán và các pháp luật đầu tư, pháp luật về tín dụng và ngân hàng liên quan đến hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.

Không có Hiệp định FTA nào chỉ đem lại toàn lợi ích, khi Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường để đón những cơ hội mới, luồng gió mới, chúng ta cần chủ động xử lý các mâu thuẫn, vượt qua những thách thức mà các FTA đem lại, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của một TTCK minh bạch, hiệu quả, hấp dẫn trong mắt cộng đồng đầu tư trong nước và quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!