|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu trở lại đường đua sau dịch bệnh?

17:33 | 22/05/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới và Việt Nam, nhất là các ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát, việc chuẩn bị hành trang để phát triển trong trạng thái “bình thường mới”, trạng thái phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, là điều mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Cơ hội đi kèm với khó khăn

Tại buổi tọa đàm trực tuyến, chủ đề: “Hậu COVID-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?" diễn ra ngày 22/5, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong khi bối cảnh dịch COVID-19 hiện này thì cơ hội trong xuất nhập khẩu không phải là "cơ hội vàng" như thu hút đầu tư FDI. 

Bởi ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố là sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự. 

"Xét trên 2 yếu tố này, chúng ta nhận thấy hiện tại cầu vẫn yếu; cung thì trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Việt Nam được lợi một chút khi sản xuất ở các nền kinh tế đối thủ bị đình đốn, nhưng đến quí II/2020, khi cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm đột ngột thì cung cũng bị ảnh hưởng theo", bà Trang chia sẻ.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu trở lại đường đua sau dịch bệnh? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo đó, khi các nền kinh tế lớn của thế giới khởi động trở lại sau dịch, nguồn cung của thế giới cũng sẽ gặp khó khăn. 

Bà Trang ví dụ Trung Quốc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, và các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ dùng giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. 

Từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, các nhà xuất khẩu sẽ e ngại rủi ro đến từ việc "tập trung trứng vào một rổ" và có sự điều chỉnh các ngành nghề thiết yếu đang phụ thuộc vào nước ngoài.

"Sẽ có xu hướng dịch chuyển sản xuất là đa dạng hóa thị trường sản xuất và nhiều nền kinh tế sẽ chuyển dịch nhà máy sản xuất về gần nước mình. Thậm chí có nhiều nước còn hỗ trợ để nhà đầu tư quay về thị trường bản địa. 

Do đó, các nhà xuất khẩu không chỉ bị cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ở nước khác mà còn chịu sức ép cạnh tranh ở chính thị trường nội địa bởi ngành sản xuất nội địa của nước bản địa đang lớn dần lên",  bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu trở lại đường đua sau dịch bệnh? - Ảnh 2.

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu được cho là chịu tác động lớn từu dịch COVID-19. Ảnh minh họa.

Dù vậy, theo bà Trang Việt Nam vẫn có cơ hội trong bối cảnh nhiều ngành hàng gặp khó vì COVID-19. Thứ nhất, về cầu thì trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín của mình từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác, nước bạn. 

Thứ hai, một số mặt hàng như lương thực thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu thì nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên. Ngoài ra, ở thị trường EU, việc hiệp định EVFTA đi vào thực tế cũng tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội. 

Chia sẻ cụ thể về lợi thế của các ngành xuất khẩu trong những hiệp định như EVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng cơ hội lớn nhất là thuế quan, giúp hàng hoá cạnh tranh hơn về giá.

Bởi khó khăn mà COVID-19 gây ra cho thương mại là làm giảm nhu cầu, tăng tính cạnh tranh ở nguồn cung. Do đó, khi EVFTA đi vào thực tế thì lợi thế về giá giúp Việt Nam có thêm một chút lợi thế trong việc cung ứng hàng hóa, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu. 

Hiệp định này giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam một phần nhưng không khắc phục được hết những khó khăn mà họ đang đối mặt sau dịch bệnh.

Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, EVFTA sẽ thúc đẩy việc gia tăng lợi ích. 

"Do tác động của COVID-19, các nền kinh tế đang phải tái cấu trúc lại để tăng lợi ích của mình, xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để phát triển những ngành tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam đang tăng lên. Đó là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể bị sụt giảm, không đạt được như kì vọng được đặt ra (trước khi có dịch bệnh) mà ta trông chờ vào EVFTA, EVIPA. Thế nhưng, sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng", bà Lan cho hay.

Chuẩn bị trở lại "đường đua"

Đại diện VCCI cho biết giới quan sát cho rằng 2 năm nữa kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng sẽ phục hồi theo cách khác, mà phục hồi đi kèm sự thay đổi, phục hồi theo trạng thái mới. Nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông tin sẽ tăng lên để đáp ứng cho cách thức làm việc mới. 

"Nhu cầu về những sản phẩm và dịch vụ mà trước đây chưa có giờ có nhu cầu, đã xuất hiện sau khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Khoàng thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng giúp người dân nhìn nhận đâu là sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Đây là sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng hàng hóa", bà Trang nói.

Tuy nhiên, bà Trang lưu ý sự chuyển dịch sản xuất cần đi kèm với quyết tâm thoát khỏi hình ảnh nước gia công đơn thuần... Cần lưu ý rằng việc tăng thu hút đầu tư nước ngoài thì áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nội địa tăng lên... đó là những điều mà Việt Nam phải tính đến.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu trở lại đường đua sau dịch bệnh? - Ảnh 3.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, các doanh nghiệp phía Nam đã có sự chuẩn bị cho đường đua mới, họ thấy rằng nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầu vào, đầu ra sẽ thành vấn nạn cho mình, nên họ tìm mọi cách để chuyển động. Các doanh nghiệp cần phải tăng nội lực.

Tuy nhiên chỉ mình doanh nghiệp không thôi rất khó để làm, nhưng hiệp hội thì có thể. Các hiệp hội nên cùng nhau bỏ ra một khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tương lai sẽ như thế nào, thói quen của người tiêu dùng sẽ thay đổi rất nhiều, nên xem lại nghiên cứu để xem nên đi về đâu và cái gì sẽ là xu hướng trong tương lai...

"Cần nhớ rằng thị trường rất khó để hồi phục như cũ, và sẽ là hồi phục trong giai đoạn bình thường mới. Bình thường mới cũng có những bất thuường mới. Do đó, cần nghiên cứu lo cho việc đó.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, bàn lại trong phạm vi hiệp hội để xem chúng ta có thể cùng nhau làm gì, đừng trông chờ vào nhà nước. Trên cơ sở yêu cầu của mình, cần đề xuất chính sách cần thiết, cần lo cho dài hạn, đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn", chuyên giá kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.


Như Huỳnh