Cơ hội mới cho ngành công nghiệp bán dẫn
Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi tiếp các tập đoàn công nghệ và quỹ đầu tư, cùng đó dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ. Chuyến công tác này hứa hẹn sẽ thêm cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
Động lực mới
Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thời gian qua bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Renesas, Qorvo, Marvell, Synopsys, Ampere, Infineon đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Cùng với đó, nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel tại TP HCM và nhà máy bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor tại Bắc Ninh cũng đã được khánh thành vào năm 2023.
Ông Hoài cho biết, Việt Nam có môi trường thuận lợi và cơ chế chính sách ưu đãi. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thông qua việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các khu công nghệ cao tại TP HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng.
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và sẵn sàng cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách ưu đãi như Luật Thủ đô; Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên… cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Ở trong nước, hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đang rất tích cực tham gia lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); trong đó tiên phong là Tập đoàn FPT - đơn vị đã hợp tác với những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực AI toàn cầu như Landing AI, Mila, Nvidia và dự kiến đầu tư 200 triệu USD cho việc thành lập Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory).
Nhà máy AI sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành AI, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới. Trong lĩnh vực bán dẫn, FPT tập trung vào các mảng thiết kế, kiểm thử và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ là rất lớn, đặc biệt là sau chuyến làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Mỹ.
Song thừa nhận từ thực tế, bà Hương cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến nhiều mảng, từ đầu tư sản xuất đến xử lý quy trình công nghệ, cập nhật công nghệ... Do đó, nhân lực cho ngành này không phải chỉ cần kỹ sư thiết kế vi mạch, mà còn cần hiểu biết quy trình công nghệ sản xuất. Đây là điều Việt Nam đang còn yếu.
Sẵn sàng nhân lực
Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021 và ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp AI và bán dẫn, với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam chia sẻ, về nguồn nhân lực, Việt Nam có nguồn lao động kỹ thuật dồi dào và nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn. Các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Quốc gia TP HCM (VNU-HCM), Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), và Đại học Đà Nẵng đã, đang đào tạo và phát triển một mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước.
Các cơ sở đào tạo này sẵn sàng kết nối mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước cùng các đối tác doanh nghiệp trong nước như Viettel, Vingroup, FPT, VNPT, VNG, Momo để phát triển nguồn nhân lực dồi dào và có tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và điện tử.
"Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo tổng cộng 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư cho các khâu sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực liên quan khác. Để hỗ trợ mục tiêu này, Việt Nam sẽ thành lập 4 phòng thí nghiệm dùng chung cấp quốc gia và 18 phòng thí nghiệm tiêu chuẩn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam'- ông Hoài cho hay.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiêp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo cho Việt Nam đón đầu công nghiệp bán dẫn là chất lượng nhân lực.
Để triển khai những định hướng này, ông Vân cho biết, Hiệp hội đã kết nối nhiều cuộc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để ký kết theo "đơn đặt hàng", đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chẳng hạn, tại Tổ hợp Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) phối hợp cùng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội (HNCC) và đoàn công tác của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức buổi tham quan trải nghiệm nghề nghiệp cho đoàn 100 học sinh sinh viên ngành Tin học ứng dụng, điện - điện tử của trường HNCC.
Hay tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.500-2.000 sinh viên; trong đó chú trọng hợp tác với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp công nghệ cao...
Theo ông Nguyễn Vân, việc kết nối doanh nghiệp với nhà trường là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, sẵn sàng nhân lực có trình độ khi các "đại bàng" công nghệ hạ cánh tại Việt Nam. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các chương trình kết nối đào tạo nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt hơn nữa cho ngành bán dẫn nói riêng và công nghiệp công nghệ cao...
Đón "đại bàng công nghệ"
Tại buổi làm việc với các tập đoàn, công ty hàng đầu về công nghệ mới đây tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho hay, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được xác định là trụ cột quan trọng trong nội hàm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù vậy các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai bên vẫn chưa tương xứng mới tiềm năng của quan hệ song phương và còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hy vọng các nhà đầu tư Mỹ sẽ nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; phát triển ngành công nghiệp chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT); năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tài chính, trung tâm tài chính; công nghệ sinh học, y tế…
"Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Mỹ đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Các tập đoàn như Google, Supermicro, Meta, Apple..., các quỹ đầu tư cũng khẳng định, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là việc Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghệ cao; từ đó cam kết tiếp tục hỗ trợ và bày tỏ mong muốn được mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Với chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại Mỹ, cánh cửa đón làn sóng đầu tư công nghệ điện tử, bán dẫn đang mở rộng hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Nhưng để đặt chân vào được chuỗi sản xuất và cung ứng này, các bộ ngành và doanh nghiệp trong nước còn nhiều việc phải chuẩn bị; trong đó cần xây dựng xây dựng bộ ba kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, để đảm bảo sẵn sàng các yếu tố chính sách, công nghệ, nhân lực.