|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ hội cuối cho công nghiệp ôtô Việt Nam? - Kì 1: Hụt hơi vì xe nhập khẩu

21:46 | 09/09/2019
Chia sẻ
Gần đây, dù các hãng ôtô Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng lượng xe nhập khẩu tăng, có thời điểm tăng trên 600% với xe 9 chỗ ngồi trở xuống, thêm hiệp định thương mại tự do với EU, thuế ôtô từ châu Âu giảm dần, đang tạo những áp lực lớn.
 - Ảnh 1.

Sản xuất, lắp ráp ôtô tại một nhà máy của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải - Ảnh: LÊ TRUNG

Niềm tự hào ôtô Việt đang đứng trước cơ hội cũng như nguy cơ lớn. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp, câu chuyện thực tế các nước để thấy nếu cứ với cách làm hiện nay, mục tiêu phát triển ngành ôtô Việt Nam và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không dễ thành hiện thực.

Nhập khẩu ồ ạt

Dù đã lường trước được những tác động tiêu cực của làn sóng xe nhập khẩu sẽ đổ bộ vào Việt Nam ngày càng tăng, ông Lê Ngọc Đức - tổng giám đốc Công ty Hyundai - Thành Công - vẫn bày tỏ quan ngại.

Theo ông, nhiều hãng ôtô tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi làn sóng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ồ ạt và ngày càng tăng, dự báo còn mạnh hơn vào những tháng cuối năm.

"Mới qua 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp vẫn cầm cự được, duy trì đều sản lượng cho các dòng xe, nhưng nếu kéo dài thì sức khỏe của doanh nghiệp sẽ yếu, nên cần Chính phủ, các bộ ngành có biện pháp đồng bộ hơn nữa thì mới tồn tại được" - ông Đức nói và bày tỏ nỗi sốt ruột khi nhiều lần kiến nghị về chính sách thuế "sống còn" cho ngành ôtô song vẫn chưa thấy hiệu quả.

 - Ảnh 2.

"Nguyên liệu vật tư nhập vào để sản xuất linh phụ kiện ôtô đều phải chịu thuế nhập khẩu. Trong khi xe nguyên chiếc nhập về có mức thuế bằng 0%, nên cấu trúc giá thành đối với ôtô sản xuất trong nước cao hơn nhập khẩu, sẽ không ai sản xuất" - ông Đức nói.

Trong khi đó, Bộ Công thương cũng dẫn chứng số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 30-6-2019, nhập khẩu ôtô đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỉ USD, tăng tới 513% về số lượng so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 54.927 chiếc, tăng 652% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD.

Đánh giá về thực trạng ngành ôtô, Bộ Công thương cũng nhìn nhận các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu. 

Trước hết là ôtô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ôtô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định thương mại tự do VN - EU, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (có nhiều quốc gia hàng đầu về sản xuất xe hơi).


Khó tồn tại nếu chính sách không đổi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng nhìn vào sản lượng nhập khẩu liên tục tăng cho thấy nhu cầu tiêu dùng ôtô vẫn tăng. So với Thái Lan hay Indonesia, chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam rất cao. Do đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm giá ôtô, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) - cho rằng cần nhanh chóng thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô.

"Vừa rồi Bộ Công thương có đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm sản xuất trong nước, đây là chính sách rất tốt" - ông Trần Bá Dương nói và cho rằng nếu thực thi chính sách này, ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài hiện đã chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc cũng sẽ quay lại sản xuất láp rắp tại Việt Nam. Và khi họ lắp ráp, chúng ta mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ.

 - Ảnh 4.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc miễn thuế đối với phần vật tư nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất ôtô trong nước sẽ khiến hụt thu ngân sách không đáng kể, nhưng theo ông Lê Ngọc Đức, nếu làm sẽ tạo được cú hích lớn, tạo nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo một cán bộ có thẩm quyền của Bộ Công thương, giá bán ôtô ở Việt Nam cao vì thuế và phí đối với ôtô sản xuất trong nước cao, doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế do dung lượng thị trường thấp.

"Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ôtô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô nội địa và cán cân thương mại" - Bộ Công thương nhìn nhận.

Bà Tuệ Anh nhấn mạnh cần có ưu đãi đầu tư cũng như các chính sách thuế, phí một cách đồng bộ, giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, giảm giá thành xe, cũng là giúp người dân mua xe rẻ hơn để tăng dung lượng thị trường, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển...

 - Ảnh 5.

Một lô xe hơi nhập khẩu vào Việt Nam - Ảnh: KIẾN GIANG

Ông Nguyễn Minh Đồng (chuyên gia ôtô):

Giúp người tiêu dùng Việt Nam bớt thiệt thòi

Ở châu Âu như Đức không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Như Đan Mạnh và Thụy Điển, họ tính thuế xe hơi theo VAT, thuế lưu hành. Tại Việt Nam, ôtô chịu quá nhiều đầu thuế. Năng lực doanh nghiệp sản xuất ôtô ở Việt Nam còn yếu, nay sức ép xe nhập khẩu miễn thuế 0% tràn vào nếu không có biện pháp kịp thời, nhà sản xuất ôtô trong nước sẽ khó trụ.

Tôi cho rằng cũng cần nghiêm túc lại các mức thuế chồng chéo, khiến chiếc xe hơi phải cõng nhiều thuế phí vô lý, chỉ có ở Việt Nam mới tính toán kiểu như vậy. Ở nước ngoài, họ khuyến khích tạo điều kiện cho dân mua xe với giá rất thấp để kích thích sản xuất. Người dân Việt Nam vẫn chịu thiệt thòi khi mua ôtô đắt gấp 2-3 lần giá gốc.

Ngọc An - Công Trung