Cơ hội cho nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc
Nông sản Việt Nam trong một siêu thị ở Hàn Quốc. Ảnh: AloTrip. |
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung trả lời phỏng vấn Nông nghiệp Việt Nam về một số vấn đề trong xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc.
Thưa ông, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản hiện nay khó khăn nhất trong vấn đề tìm thị trường tiêu thụ là gì?
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp phân phối khi tìm kiếm và phát triển thị trường là:Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay là phát triển theo xu hướng tự phát, chưa có định hướng và quy hoạch rõ ràng vùng chuyên canh, chưa có tiêu chuẩn cụ thể và sự ràng buộc giữa nhà phân phối và người nông dân, chưa có chuẩn quy định về thị trường nông sản… do vậy dẫn đến sự không minh bạch giữa và khó tạo niềm tin cho người mua hàng về danh giới giữa sạch và bẩn. Do đó khó có thể thuyết phục được đối tác đặc biệt là đối tác nước ngoài.
Tại sao lần này, DAA lại chọn thị trường Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc để “tấn công”, lại là một thị trường không hề dễ tính?
Bản thân DAA khi ra đời đã có tham vọng và mục tiêu rất ràng là những Doanh nhân có tâm và có tầm muốn thay đổi nhận thức của người tiêu dung và đặc biệt là trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất nông nghiệp, đến nay các thành viên DAA đã tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của DAA và quốc tế (Global GAP) và chúng tôi tự tin là thị trường Hàn Quốc là thị trường mà chúng tôi có thể mạnh dạn bước vào.
Chất lượng hàng nông sản của Việt Nam theo ông có thể đáp ứng được những thị trường khó tính là bao nhiêu và các DN phải thay đổi hệ thống sản xuất, tiêu chuẩn, cách xúc tiến thương mại…như thế nào để vào được những thị trường khó tính?
Hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu và quy hoạch vùng nông sản rất rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo phát huy được lợi thế địa hình, khí hậu và hơn nữa sẽ giám sát được chất lượng nông sản.
Thứ hai là hạn chế và phải tiến đến loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng Việt Nam, phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng nông sản, đầu tư mạnh mẽ vào quy trình thu hoạch và sau thu hoạch bằng phương pháp organic v.v.
Chính phủ, Bộ ngành nên để các DN tự tìm kiếm và xúc tiến thị trường vì các DN sẽ hiểu về chất lượng và nhu cầu cụ thể của từng thị trường, và từ đó họ sẽ chủ động trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cho từng loại để đảm bảo theo đúng nhu cầu và tiêu chí của thị trường đó.
Hợp tác với Lotte và CJ là một cơ hội những cũng là một áp lực lớn với các doanh nghiệp nông sản Việt Nam. Tới đây, DAA và các bên sẽ làm những gì để mang lại kết quả cho các doanh nghiệp Việt?
DAA với sứ mệnh góp phần thay đổi nhận thức của những người làm Nông nghiệp Việt Nam về năng lực ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng và canh tác theo tiêu chuẩn của Thế giới và tiêu chuẩn của DAA Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, DAA sẽ phát triển mạnh các mục tiêu: thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành trang trại chuyên canh diện tích lớn; ứng dụng công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu xuất đầu tư cho từng nông sản; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong đầu tư – nuôi trồng – thu hoạch – chế biến – đóng gói – bảo quản và cung ứng (từ hạt giống con giống; phương pháp canh tác; công nghệ giám sát; quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản; thị trường) khi quản lý theo chuỗi sẽ hoàn toàn chủ động được việc gám sát chất lượng nông sản và khi đó thị trường sẽ rất rộng cho nông sản Việt tham gia.