Chuyển tiền liên ngân hàng từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải xác thực sinh trắc học?
Chia sẻ tại Hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong thời gian tới sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh tắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết hiện nay tình trạng lừa đảo xảy ra gây tổn hại lớn đến khách hàng và đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý và ngân hàng, làm giảm niềm tin của khách hàng, tổn hại danh tiếng cho ngân hàng và mất nhiều chi phí để phòng chóng.
NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng; kết hợp với Bộ Thông tin truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Theo thống kê, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% chuyển trên 10 triệu đồng. Do đó, trong thời gian tới, sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Theo ông Dũng, quy định này cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng tồn tại suốt thời gian qua.
Lừa đảo trực tuyến bùng phát mạnh
Trong phần tham luận, ông Dũng cũng cho biết thời gian qua, lừa đảo trực tuyến bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính.
Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau nhưng thường nhắm đến mục đích lừa đảo lấy tiền của người dùng.
Kênh lừa đảo chủ yếu thường thông qua tin nhắn SMS (33%), tiếp theo là điện thoại (29%), email (22%), Internet (6%), mạng xã (6%). Nhóm tuổi có nguy cơ bị lừa đảo cao nhất là trên 65 (chiếm trên 25% số báo cáo và thiệt hại), và nhóm 55-64 tuổi.
Trên thực tế, số vụ trình báo bị lừa đảo chỉ chiếm rất ít so với số vụ thực tế xảy ra. Tội phạm thường nhắm vào tâm lý muốn lấy lại tiền thì để tiếp tục lừa. Có trường hợp bị lừa 40 lần mới biết dính bẫy lừa đảo.
Tại Việt Nam, các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm: Giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm, đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.
Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Kẻ gian mạo danh nhân viên nhà mạng viễn thông đề nghị hỗ trợ chuyển sim 3G thành 4G miễn phí hoặc thông báo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
Nạn nhân làm theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại để nhận mã OTP kết hợp với thông tin định danh đã thu thập được của khách hàng để kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử, có quyền truy cập thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tiền của người dùng.
Một hình thức lừa đảo mới xảy ra gần đây giả mạo công chức của cơ quan Nhà nước hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo (VssID, VNeID, eTax Mobile,…) để chiếm quyền điều khiển điện thoại, lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng…