Chuyện 'Tây' kinh doanh giáo dục ở Sài Gòn
Lợi thế của 'Tây' khi kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh |
Mặc dù rất nhiều nguồn học liệu về lập trình tồn tại trên mạng, Charles Lee, người đồng sáng lập CoderSchool, tin rằng dạy trực tiếp vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. Anh chỉ ra một thực tế là việc trở thành một kỹ sư lập trình thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, chứ không chỉ khả năng kỹ thuật.
Doanh nhân Charles Lee, người mở trường dạy lập trình viên ở Sài Gòn. Ảnh: Charles Lee |
“Những khóa học của chúng tôi luôn bao gồm hoạt động lập trình theo cặp và làm việc nhóm, bởi vì để thành công tại một doanh nghiệp, bạn phải lĩnh hội những kỹ năng đó. Xây dựng những kỹ năng như thế trên nền tảng trực tuyến là việc khó”, Lee nhận định.
Cảm hứng thành lập CoderSchool xuất hiện sau khi Lee nghe một số người sáng lập doanh nghiệp và kỹ sư nói rằng những nhân tài ở thành phố Hồ Chí Minh cần những khóa đào tạo kỹ thuật tốt hơn. Từ thông tin ấy, anh tung ra một sản phẩm đơn giản nhưng hiệu quả.
“Chúng tôi đơn giản hóa quy trình, với thao tác đăng ký trên Google Form đơn giản, và 200 người đăng ký trong tuần đầu. Nhưng điều thực sự khiến tôi có động lực để lập CoderSchool và bắt đầu cống hiến cuộc sống của tôi cho công việc là sự tiến bộ của học viên trong lớp đầu tiên. Họ lập trình giỏi tương đương, nếu không nói là giỏi hơn, so với học viên mà tôi dạy ở Mỹ. vì thế, tôi biết một thị trường kỹ sư công nghệ thông tin lớn nhưng chưa được khai thác đang tồn tại ở Việt Nam”, anh nói.
Đương nhiên, những người muốn học lập trình vẫn có những suy nghĩ tiêu cực. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là học viên nghĩ họ không có đủ thời gian để theo chương trình đào tạo. Lee thừa nhận mọi người cần đầu tư nhiều thời gian để học kỹ năng mới, song lập trình là kỹ năng đáng để nỗ lực.
"Thời gian là tài nguyên quý nhất của chúng ta. Vì thế chúng ta nên sử dụng nó một cách sáng suốt. Học một kỹ năng mới là một trong những việc tốt nhất để sử dụng thời gian. Nhiều sinh viên nói với chúng tôi rằng họ học nhiều thứ hơn trong chương trình 8 tuần của CoderSchool so với 8 tháng trong quãng đời trước đó của họ”, Lee kể.
Về giáo trình, CoderSchool tập trung vào kỹ năng thực tế nhiều hơn lý thuyết và thường dựa trên những ứng dụng (app) đã thành công. Phương pháp này giúp sinh viên chuẩn bị kỹ năng làm việc trong môi trường thực tế và mang tới sự tự tin rằng họ có thể tạo ra những phiên bản của một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới.
“Chúng tôi có những sinh viên lập trình bản sao của ứng dụng Twitter. Đó là một dự án phức tạp, nhưng trong 4 tuần, bạn có thể có những kỹ năng cần thiết để tạo ra một ứng dụng đầy đủ chức năng và hoàn chỉnh”, Lee khẳng định.
Lee nói một trong những thách thức lớn nhất trong việc mở rộng quy mô của CoderSchool là tìm và giữ những giảng viên giỏi. Công ty thực hiện mọi biện pháp trong khả năng để biến hoạt động giảng dạy thành trải nghiệm vui, bao gồm lập trình phần mềm để giảm những công việc hành chính, nhờ các doanh nghiệp đối tác tư vấn giảng viên để họ duy trì kiến thức và kỹ năng ở mức tốt nhất.
“Giải pháp cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là chủ động mời giáo viên nước ngoài tới Việt Nam. Chúng tôi có hai giáo viên rời khỏi thành phố San Francisco để dạy các lớp ở đây. Đó là việc mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Vì thế, chúng tôi muốn mở rộng những chương trình kiểu ‘lập trình không biên giới’ như thế”, Lee nói.