Chuyện sớm nở tối tàn của diễn viên trong 'nền kinh tế kí sinh' ở Trung Quốc
Ngay thời điểm Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố để chống lại đại dịch COVID-19 hồi tháng 1 năm nay, Tiêu Chiến đang là ngôi sao mà công chúng quan tâm bậc nhất của đất nước tỉ dân. Tiêu Chiến chiếm sóng ở hầu hết sản phẩm - từ chăm sóc da đến bia.
Khi Trung Quốc nới lỏng phong tỏa vài tháng sau, địa vị của Tiêu Chiến đã giảm đáng kể và Nikkei Asian Review mô tả ảnh hưởng thương mại của anh là "nghìn cân treo sợi tóc".
Lên nhanh, tụt dốc càng nhanh đều vì người hâm mộ
Vận may của Tiêu Chiến đột ngột sa sút không phải là kết quả trực tiếp của đại dịch. Thay vào đó, thứ giết chết sự nghiệp của nam diễn viên là một hiện tượng cực đoan mang tên "toxic fan" (hay fan cuồng độc hại).
Các nhóm người hâm mộ độc hại của Trung Quốc xuất hiện từ một thế hệ lớn lên với đủ điều kiện vật chất giữa lúc mạng xã hội cũng như ngành quảng cáo đang phát triển không ngừng. Dù vậy, họ không có nhiều cơ hội để thể hiện cái tôi cá nhân, Nikkei viết.
Kết quả là, một mối quan hệ "kí sinh xã hội" gắn kết người hâm mộ và diễn viên, ca sĩ hoặc thần tượng nhạc pop được họ chọn hình thành, các chuyên gia cho hay. Mối quan hệ đó có thể dễ dàng trở nên tệ hơn, đặc biệt là khi ngôi sao bị "phong sát" (tức bị gây cản trở, khó có chỗ đứng trong làng giải trí) vì một đánh giá sai lầm của chính phủ hoặc hành động thiếu chín chắn của công ty quản lí.
Tiêu Chiến đã vụt lên thành ngôi sao quen mặt của nhiều gia đình Trung Quốc gần như chỉ sau một đêm, khi bộ phim nổi tiếng "Trần Tình Lệnh" được phát sóng trên mạng hồi tháng 8 năm ngoái.
Nhờ danh tiếng ấy, Tiêu Chiến thu về nhiều hợp đồng ở đa dạng lĩnh vực, chẳng hạn hàng xa xỉ phẩm như Cartier và Gucci đến các loại mĩ phẩm như Estee Lauder và Olay, hay đồ uống như Mengniu và Budweiser.
Theo một công ty nghiên cứu giấu tên, chỉ mình Tiêu Chiến đã nắm 48% hợp đồng quảng cáo tại Trung Quốc vào năm ngoái.
Các thương hiệu mà Tiêu Chiến đại diện thu về doanh số khổng lồ: Những sản phẩm của Estee Lauder mà Tiêu Chiến giới thiệu bán sạch chỉ trong một giờ đầu tiên sau khi tung ra thị trường năm 2019, doanh thu đạt hơn 40 triệu nhân dân tệ.
Tuy nhiên, Tiêu Chiến lên càng nhanh thì lao dốc thậm chí còn nhanh hơn. Vấn đề bắt đầu từ một số người hâm mộ cuồng nhiệt của nam diễn viên. Bộ phim "Trần Tình Lệnh" là một tác phẩm đam mĩ (chuyện tình yêu đồng giới) nhưng để lách luật của chính phủ Trung Quốc, nội dung của bộ phim đã chuyển thành "tình bạn" giữa hai nam nhân.
Vào tháng 2 năm nay, một nhóm fan độc hại tên "Xiao only" (tức chỉ hâm mộ Tiêu Chiến) đã báo cáo một trang web có tên Archive of Our Own (AO3) lên chính quyền địa phương vì đăng tải tiểu thuyết hư cấu bôi xấu và nữ tính hóa hình tượng của nam diễn viên.
Kéo theo nhiều thương hiệu bị tẩy chay, gây sức ép
Đáp lại, các nhà chức trách đã chặn trang web trên tại Trung Quốc, tuy nhiên điều đó chỉ khiến làn sóng tẩy chay Tiêu Chiến lan rộng. Một chiến dịch trực tuyến đã ra đời nhằm mục tiêu buộc Tiêu Chiến rời khỏi làng giải trí cũng như tẩy chay các nhãn hiệu mà nam diễn viên đại diện, chiến dịch này mang tên "Phong trào 227".
Theo Nikkei, các thương hiệu như Estee Lauder, Qeelin và Mengniu đã thay đổi đại sứ ngay lập tức để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, gã khổng lồ ngành mĩ phẩm Olay lại bị kẹt với Tiêu Chiến và sớm phải trả giá đắt.
Người tham gia Phong trào 227 bắt đầu "đổ bộ" đường dây chăm sóc khách hàng của Olay, yêu cầu nhận hóa đơn cho các sản phẩm mà họ đã mua vài tuần hoặc vài tháng trước vì luật thuế của chính phủ Trung Quốc cho phép. Nếu Olay không giao hóa đơn, thành viên Phong trào 227 sẽ báo cáo công ty lên chính quyền Trung Quốc.
"Việc khách hàng yêu cầu hóa đơn thực sự không mang lại kết quả gì ngoại trừ làm gia tăng thêm khối lượng công việc cho kế toán và đội ngũ nhân viên tài chính. Đây là một cách thay thế và có tính toán để gây áp lực cho Olay", ông Taizi - nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Film Intelligence, cho hay.
Amber - 28 tuổi, đã tốt nghiệp và là một tác giả tiểu thuyết đam mĩ trên nền tảng AO3 - nhận định: Nếu sự nghiệp của Tiêu Chiến bị hủy hoại, đó sẽ là một lời cảnh báo đến toàn bộ người hâm mộ, nhắc nhở họ nên cân nhắc kĩ trước khi hành động quá khích.
Cộng đồng người hâm mộ và nhà bán lẻ nên làm gì để duy trì nền kinh tế "kí sinh" đi đúng đường?
"Văn hóa người hâm mộ của Trung Quốc giống như một giáo phái. Các thành viên tự kiểm soát nhau như quân đội và họ có rất nhiều tiền. Một khi người hâm mộ bị tẩy não, họ sẽ có cùng suy nghĩ vì trong cộng đồng không được phép tồn tại quan điểm trái chiều", Amber cho hay.
Vì tính chất bất ổn của các nhóm người hâm mộ ở Trung Quốc, quản lí của người nổi tiếng thường thuê "người hâm mộ chuyên nghiệp" để duy trì cộng đồng, dẫn dắt hoạt động và kiểm soát tình cảm chung, ông Taizi cho hay.
Các fan hâm mộ chuyên nghiệp này thường là "VIP fan" có nhiều mối quan hệ và chịu trách nhiệm liên lạc giữa nhóm quản lí và fan thông thường.
"Đây là một mối quan hệ phức tạp giữa người nổi tiếng, quản lí, người hâm mộ chuyên nghiệp, VIP fan và người hâm mộ thông thường", ông Taizi nói. "Mối quan hệ này phức tạp vì người hâm mộ chuyên nghiệp và VIP fan không phải cỗ máy, họ có mong muốn và chuỗi lợi ích riêng. Dù vậy, họ được xem là một tổng thể, nếu một bộ phận mắc lỗi, ngôi sao sẽ phải chịu trách nhiệm trước công chúng".
Đối với các công ty bán lẻ đang cố xây dựng lực lượng khách hàng trung thành ở Trung Quốc, bối cảnh chính trị và văn hóa người hâm mộ của đất nước tỉ dân khiến doanh nghiệp phải vật lộn không ít.
Vì các ngôi sao trong những năm gần đây thường có lưu lượng ngắn (tức thời gian trên đỉnh cao sự nghiệp không dài), các công ty đã giảm thời gian trong hợp đồng đại diện và kí kết với nhiều đại sứ một lúc.
Nhà phân tích Taizi lưu ý, các công ty bây giờ thậm chí phải kĩ lưỡng hơn trong khâu chọn đại sứ thương hiệu.
"Trước đây, khi các thương hiệu đánh giá rủi ro, họ chỉ cần tập trung vào điểm tiêu cực của ngôi sao trước báo chí. Từ giờ, họ còn phải đánh giá cả khả năng quản lí khủng hoảng của công ty chủ quản và người hâm mộ", ông Taizi nhấn mạnh.