Chuyện lập công ty rồi mới chọn sản phẩm của người sáng lập các tập đoàn lớn
Ngày 23/8/1937, hai kĩ sư mới ngoài 20 tuổi, vừa tốt nghiệp, không hề có kinh nghiệm kinh doanh, gặp nhau để bàn chuyện thành lập một công ty mới, mà không hề có ý tưởng rõ ràng về sản phẩm mà công ty sẽ kinh doanh. Họ chỉ biết rằng họ muốn cùng nhau mở một công ty hoạt động trong một lĩnh vực rất rộng lớn về kĩ thuật điện tử.
Hai kĩ sư đã suy nghĩ rất nhiều về sản phẩm đầu tiên cũng như các cơ hội thị trường, nhưng họ không có ý tưởng chủ đạo nào có khả năng trở thành nguồn cảm hứng cho công ty.
Vậy là Bill Hewlett và Dave Packard đã quyết định cho ra đời một công ty, sau đó mới xác định xem công ty này sẽ làm gì. Họ quyết định cứ bắt đầu cái đã, thử nghiệm bất cứ điều gì có thể, miễn là họ có đủ tiền thanh toán các chi phí điện nước và chi phí hên quan khác tại ga-ra nhỏ bé nơi họ khởi nghiệp.
Khi nói chuyện tại các trường dạy về kinh doanh, các giáo sư về quản trị đã rất sửng sốt khi Dave nói rằng ông chẳng hề có kế hoạch gì khi khởi nghiệp. Ông nói rằng ông và Bill chỉ là những kẻ cơ hội.
"Công ty làm bất cứ việc gì để kiếm ra tiền, từng xu một, từ những đèn báo (xi-nhan) trong bowling, đồng hồ trong kính viễn vọng, thiết bị dội nước tự động trong toi-let, máy xung điện để giảm béo.Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 500 USD và phải làm bất cứ điều gì người ta nghĩ là chúng tôi có thể thực hiện", Dave kể.
Những sản phẩm đầu tiên của họ chẳng đi đến đâu, chẳng có vị trí gì trên thị trường. Thực tế là công ty đã vất vả gần một năm trước khi có đơn hàng lớn đầu tiên - họ bán 8 máy nghiệm dao động cho hãng Walt Disney để sử dụng khi làm phim Fantasia.
Thậm chí sau đó, Hewlett-Packard vẫn tiếp tục phong cách không tập trung, loay hoay với rất nhiều sản phẩm khác nhau, mãi cho tới khi họ có bước đột phá bùng nổ từ những hợp đồng trong chiến tranh vào đầu thập niên 40.
Ngược lại, công ty Texas Instruments lại có khởi đầu với một ý tưởng kinh doanh rất thành công. Thành lập năm 1930 với cái tên Geophysical Service Inc, “Công ty đầu tiên nghiên cứu về địa chấn ở các vùng không có mỏ dầu, với phòng thí nghiệm tại Texas sản xuất ra những dụng cụ cho công việc này".
Không giống như Hewlett-Packard, những người sáng lập ra TI đã lập ra công ty nhằm khai thác một cơ hội thị trường và công nghệ cụ thể.12 TI đã khởi đầu bằng một ý tưởng vĩ đại.
Sony cũng có câu chuyện như vậy. Khi Masaru Ibuka thành lập công ty của ông vào tháng 8/1945, ông hoàn toàn không có ý tưởng cụ thể gì về sản phẩm. Ibuka và 7 nhân viên đầu tiên đã tổ chức những buổi họp (sau khi đã thành lập công ty) để mọi người cùng suy nghĩ và bàn bạc xem sẽ sản xuất sản phẩm gì.
Akio Morita, một trong những người tham gia công ty sau đó, kể rằng: “Nhóm chúng tôi ngồi hàng tuần với nhau, cố suy nghĩ ra xem công ty phải kinh doanh cái gì để có thể có tiền mà hoạt động tiếp".
Họ đã suy nghĩ về rất nhiều sản phẩm khác nhau, từ xúp đậu ngọt đến các dụng cụ đánh golf cỡ nhỏ và thước gấp. Không chỉ như vậy, sản phẩm đầu tiên của Sony - nồi cơm điện - thậm chí đã không hoạt động một cách suôn sẻ, và sản phẩm chính đầu tiên (máy ghi âm) thất bại trên thị trường.
Trong những ngày đầu này, công ty đã tồn tại bằng cách khâu các dây điện vào vải để làm nên miếng đệm tạo sức nóng, tuy thô kệch song lại bán được.
Người sáng lập ra hãng Kenwood, dường như đã có sẵn một loạt sản phẩm trong đầu vào thời điểm khởi nghiệp. Ông đặt tên cho công ty của là Kasuga Wireless Electric Firm vào năm 1946, và kể từ lúc thành lập theo cuốn Japan Electronics Almanac, thì “Kenwood luôn là một hãng tiên phong trong công nghệ audio".
Giống như Ibuka và Hewlett, Sam Walton cũng bắt đầu kinh doanh mà không có một ý tưởng vĩ đại nào cả. Ông chỉ muốn tự làm chủ, và với một chút kiến thức (nhưng rất nhiều đam mê) về bán lẻ.
Sam không hề thức dậy vào một buổi sáng và kêu lên “Eureka, tôi đã có một ý tưởng vĩ đại và giờ đây tôi sẽ thành lập một công ty!” Ông đã khởi sự năm 1945 với duy nhất một cửa hiệu nhỏ bán những hàng vặt vãnh, ở một thị trấn nhỏ là Newport, bang Arkansas.
“Tôi không hề có viễn cảnh nào về quy mô lúc khởi nghiệp - Walton sau này trả lời phỏng vấn của New York Times - nhưng tôi luôn luôn tin rằng, một khi chúng ta làm tốt công việc và phục vụ khách hàng tốt, thì sẽ không có một giới hạn nào cho quy mô phát triển của công ty cả!”.
Với tư duy ấy, Sam đã đi từng bước, phát triển từ một cửa hàng nhỏ bé lúc đầu thành một hệ thống siêu thị với “sáng kiến vĩ đại” về việc giảm giá cho khu vực nông thôn. Dường như đó là một quá trình tiến hóa hoàn toàn tự nhiên vào hai thập niên sau đó. Trong sản xuất tại Mỹ (Made in America), ông đã viết như sau:
"Rất nhiều người nghĩ Wal-Mart là một ý tưởng vĩ đại tự dưng xuất hiện ở tôi, và chính ý tưởng này đã thành công ngay lập tức. Nhưng thực ra cửa hàng Wal-Mart đầu tiên chính là kết quả của tất cả những cố gắng của chúng tôi từ năm 1945 - một thí nghiệm nữa mà thôi, và cũng như mọi thành công khác, kì tích ấy chỉ xuất hiện sau 20 năm".