|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia Yuanta Việt Nam: NĐT chưa cần quá lo lắng với lạm phát, câu chuyện ‘tiền rẻ’ vẫn tiếp tục duy trì

10:14 | 06/07/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay. Song, thị trường đang tiềm ẩn những nguy cơ như tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tăng cao… Đáng chú ý là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn biến khó lường và trên diện rộng.

Để nhà đầu tư có được góc nhìn về bức tranh vĩ mô nửa cuối năm và mối quan hệ với thị thị trường chứng khoán, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Chuyên gia Yuanta Việt Nam: NĐT chưa cần quá lo lắng với lạm phát, câu chuyện ‘tiền rẻ’ vẫn tiếp tục duy trì - Ảnh 1.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Yuanta Việt Nam.

PV: Thưa ông, vốn nhận được nhiều lời khen về thành tích chống dịch trong năm 2020, Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng thuộc tốp đầu, nhưng hiện tại kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương. Ông có đánh giá như thế nào về bức tranh vĩ mô nửa cuối năm? Triển vọng phục hồi của Việt Nam sau đại dịch? Liệu Việt Nam có đánh mất lợi thế thu hút vốn nước ngoài vì COVID-19 hay không?

Ông Trương Quang Bình: Chúng tôi cho rằng, với việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin tại các khu vực ưu tiên như khu công nghiệp và các khu vực kinh tế trọng điểm, Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở cửa kinh tế.

Trong 6 tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Việt Nam có nhiều khả năng đạt các mục tiêu về kinh tế đã đề ra như GDP 6,5% và lạm phát dưới 4% với kết quả khả quan đạt được trong 6 tháng đầu năm.

Chuyên gia Yuanta Việt Nam: NĐT chưa cần quá lo lắng với lạm phát, câu chuyện ‘tiền rẻ’ vẫn tiếp tục duy trì - Ảnh 2.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong Khu vực công nghiệp và dịch vụ dẫn dắt tăng trưởng. Nguồn: TCTK, Yuanta Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, dù việc di chuyển vẫn đang bị hạn chế bởi dịch COVID-19 nhưng vốn FDI giải ngân vẫn duy trì đà tăng trưởng dương đáng khích lệ là 6,8% đạt 9,2 tỷ USD.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao với 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và 2 hiệp định đang đàm phán. Bên cạnh đó, chi phí nhân công rẻ sẽ giúp Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp đa quốc gia, giúp hàng hóa được phân phối đến các thị trường lớn và quan trọng. Chúng tôi tin rằng, một khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI.

PV: Một chủ đề đang được quan tâm là lạm phát. Dễ thấy, mặt hàng thiết yếu đó là xăng dầu cũng tăng giá mạnh trong những đợt điều chỉnh gần đây. Ông dự báo thế nào về tác động của yếu tố này đến thị trường chứng khoán?

Ông Trương Quang Bình: Điều đáng mừng là tính đến thời điểm hiện tại lạm phát ở Việt Nam hiện vẫn được kiểm soát khá tốt. Thật vậy, chỉ số CPI tháng sáu tăng rất thấp 0,19% so với tháng trước, và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, tạo dư địa để hoàn thành mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2021.

Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận rằng rủi ro lạm phát do chi phí đẩy là có khi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng mạnh mẽ tại nhiều nước cộng hưởng bởi sự đình trệ trong hoạt động logistics toàn cầu làm cho giá hàng hóa như dầu thô, cao su, thép … đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Sản xuất phục vụ thị trường trong nước ít nhiều khó tránh khỏi chịu tác động bởi xu hướng giá hàng hóa tăng trong thời gian sắp tới.

Đối với các lĩnh vực có đầu ra là hàng hóa thì cơ bản sẽ hưởng lợi gồm cao su, dầu khí, khoáng sản. Các lĩnh vực có đầu vào là các loại hàng hóa thì tác động sẽ tùy thuộc vào mô hình kinh doanh.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất có chuỗi giá trị kéo dài từ trên xuống (chủ động nguyên liệu đầu vào) thì nhìn chung không bị tác động. Các doanh nghiệp ở hạ nguồn chuỗi giá trị (chỉ tham gia từ khâu sản xuất) sẽ rất nhạy cảm do không chủ động nguyên liệu đầu vào: Dược phẩm, nhựa, năng lượng, chăn nuôi, săm lốp, xây dựng.

Tuy nhiên, nhìn chung là sự tác động sẽ có độ trễ nhất định khoảng 3 tháng trước khi ảnh hưởng vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tức là vào quý IV/2021, tương ứng với tồn kho bình quân. Trong ngắn hạn, cụ thể là quá III/2021, nhà đầu tư chưa cần phải quá lo lắng.

PV: Trở lại diễn biến của thị trường chứng, câu chuyện "tiền rẻ" trong nửa đầu năm nay hút dòng tiền đổ vào chứng khoán. Theo quan điểm của ông, lãi suất liệu lãi suất trong thời gian tới như thế nào?

Ông Trương Quang Bình: Sau khi kiểm soát được đại dịch, khôi phục kinh tế sẽ là nhiệm vụ trọng tâm kế tiếp và điều này đỏi hỏi các chính sách hỗ trợ. Như đã đề cập ở trên, hiện tại lạm vẫn ở mức thấp, tạo dư địa tốt để NHNN duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng vì thế chúng tôi tiếp tục quan điểm lãi suất vẫn sẽ được giữ ở mức thấp ít nhất là đến hết năm 2021, câu chuyện "tiền rẻ" sẽ vẫn tiếp tục duy trì.

Ở thời điểm hiện tại, có thể thấy nhiều nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp, thậm chí trong bối cảnh lạm phát tại các nước này đang có dấu hiệu leo thang, nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khi khống chế được dịch bệnh nhờ các chương trình tiêm chủng vắc xin mở rộng.

PV: Câu chuyện về bong bóng tài sản, cũng như "siêu chu kỳ hàng hoá" trên thế giới đang được các chuyên gia nhắc đến nhiều trong thời gian qua, theo ông, liệu có bong bóng nào đang hình thành tại Việt Nam hay không?

Ông Trương Quang Bình: Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu bong bóng tài sản nào tại các thị trường tài chính ở Việt Nam. Ở thị trường chứng khoán, hiện tại VN-Index đang giao dịch tại PE lũy kế 19x, mức thấp so với khu vực và so với thời điểm 2018 (22.x).

Chuyên gia Yuanta Việt Nam: NĐT chưa cần quá lo lắng với lạm phát, câu chuyện ‘tiền rẻ’ vẫn tiếp tục duy trì - Ảnh 3.

Nguồn: Yuanta Việt Nam.

PV: Tóm lại, những yếu tố vĩ mô nói trên sẽ tác động thế nào đến các kênh đầu tư, đặc biệt là kênh đầu tư chứng khoán, thưa ông? Với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là rất nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường cần trang bị gì để tận dụng cơ hội thị trường và bảo vệ mình trước những rủi ro đó? Chỉ số kinh tế nào nhà đầu tư cần quan tâm nhất, thưa ông?

Ông Trương Quang Bình: Một số ý kiến cho rằng lạm phát tăng dẫn đến hệ quả thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không hẳn là như vậy. 

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng xác suất chuyển sang chính sách tiền tệ thặt chặt trong ngắn hạn là thấp vì điều này không làm hạ nhiệt giá hàng hóa thế giới mà còn ảnh hưởng đến sự hồi phục của cầu tiêu dùng trong nước và khả năng ảnh hưởng đến tín dụng vốn đang chịu áp lực lớn bởi đại dịch.

Chuyên gia Yuanta Việt Nam: NĐT chưa cần quá lo lắng với lạm phát, câu chuyện ‘tiền rẻ’ vẫn tiếp tục duy trì - Ảnh 4.

Nguồn: Yuanta Việt Nam.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng môi trường lãi suất thấp, sự ổn định vĩ mô, định giá hấp dẫn của TTCK Việt Nam (PE kỳ vọng ~ 17x) kèm sự thiếu vắng các kênh đầu tư hấp dẫn khác, là lý do khiến cho một số lượng kỷ lục nhà đầu tư mới (F0) tìm đến cơ hội đầu tư tại thị trường chứng khoán. 

Xu hướng nhà đầu tư F0 tham gia đầu tư TTCK còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi số lượng nhà đầu tư tại VN chỉ chiếm trên 3% dân số, thấp so với các nước trong khu vực Thái Lan (xấp xỉ 30%) và Đài Loan (trên 80%).

Lời khuyên dành cho nhà đầu tư mới

Các nhà đầu tư mới F0 trước hết nên trang bị những kiến thức nền tảng về đầu tư, lập kế hoạch đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ lướt sóng ngắn hạn vốn đòi hỏi kinh nghiệm. Cụ thể, nhà đầu tư nên lên kế hoạch trích một phần thu nhập hàng tháng để tích lũy cổ phiếu như một tài sản dài hạn.

Thống kê cho thấy nếu nhà đầu tư đều đặn trích thu nhập để đầu tư hàng tháng, trong thời gian 10 năm trở lại đây, thì tỷ suất sinh lợi bình quân hàng năm từ thị trường chứng khoán đạt mức rất hấp dẫn 18 - 20%.

Trước khi đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần nghiên cứu doanh nghiệp thông qua báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán uy tín, hoặc báo cáo thường niên của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư mới nên chỉ tập trung đầu tư vào những cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao, có nền tảng kinh doanh bền vững, tình hình tài chính lành mạnh, và tránh đầu tư theo cảm tính. Nếu nhà đầu tư chưa đủ tự tin để lựa chọn cổ phiếu thì có thể chọn các chứng chỉ quỹ ETF niêm yết.

Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

Lợi Hoàng