|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia VDSC: 'Vẫn có khả năng Fed tăng lãi suất lên 6%, khi vòng xoáy lương, tiền mạnh hơn'

16:42 | 27/02/2023
Chia sẻ
Chuyên gia kinh tế vĩ mô từ VDSC nhìn nhận, khi chỉ số giá tiêu dùng và tăng lương của Mỹ tăng ở mức 5-6%, Fed thậm chí có thể tăng lãi suất lên 6% và giữ ở mức cao cho đến hết năm nay.

Phân tích tại toạ đàm trực tuyến: “Bức tranh vĩ mô & những xu hướng đáng chú ý trong tháng 3” do Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức chiều 27/2, bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô VDSC cho hay, vẫn có xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao hơn mức dự báo 5,25% trong năm 2023 khi ‘vòng xoáy’ lương, tiền mạnh hơn.

Bà My cho biết, sau đợt tăng lãi suất 0,25 điểm % vào tháng 2 vừa rồi, lãi suất của Fed đã tăng lên mức 4,25% - 4,5%. Những tín hiệu từ cuộc họp này cũng khẳng định, mối quan tâm lớn nhất của Fed vẫn là kiềm chế lạm phát hơn là triển vọng suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia nhận định, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm % thêm hai đợt vào tháng 3 và tháng 5. Đỉnh lãi suất sẽ ở mức 5,0% - 5,25%.

Phân tích thêm về các chỉ số vĩ mô của Mỹ, bà My cho hay, trong tháng 1/2023, kinh tế Mỹ ghi nhận 517.000 việc làm mới, vượt xa dự báo 187.000 việc làm của các chuyên gia và mức tăng 260.000 việc làm của tháng 12/2022. Mức tăng tiền lương cũng đang khá cao dù đã có sự sụt giảm.

Lạm phát Mỹ tháng 1 tăng 0,5% so với tháng trước, điều này phù hợp với các dữ liệu dự báo của thị trường. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức tăng lạm phát tháng 12 từ -0,1% lên 0,1% cho thấy lạm phát của Mỹ chưa hoàn toàn hạ nhiệt. Đầu năm 2023, lạm phát của Mỹ đang có xu hướng đi ngang hoặc nhích nhẹ.

Mới đây, Mỹ đã công bố chỉ số PCE (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 1 tăng 4,7% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với dự báo 4,4% và cao hơn mức 4,6% của tháng 12/2022.

Toạ đàm trực tuyến: “Bức tranh vĩ mô & những xu hướng đáng chú ý trong tháng 3” của VDSC. (Ảnh chụp màn hình).

Với những dữ liệu hiện tại, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất đến mức 5,25% và có thể cao hơn khi các động lực khiến lạm phát hạ nhiệt chưa thực sự hiệu quả. Bà My cũng dự báo lạm phát Mỹ sẽ duy trì ở mức cao 6 - 6,5% ít nhất trong nửa đầu năm 2023 khiến lãi suất cũng ở mức cao đến hết năm nay và phải sang đến năm 2024 mới có xu hướng giảm. 

Trong kịch bản xấu, Fed có thể tăng lãi suất lên 6% khi ‘vòng xoáy’ lương, tiền ở Mỹ mạnh hơn, chỉ số giá tiêu dùng và tăng lương ở đâu đó khoảng 5-6%, còn hiện tại vẫn đang chấp nhận được, bà My nhìn nhận. 

Các dự báo được đưa ra gần đây cho thấy thị trường Mỹ vẫn đang nhìn nhận khá tích cực rằng lạm phát đang tiếp tục giảm nhưng giảm chậm và đến giữa năm 2023 sẽ giảm nhanh. Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu việc làm của Mỹ, hiện đang có sự trái chiều, khu vực dịch vụ đang tăng khá mạnh trong khi khu vực sản xuất và công nghệ có sự suy giảm.

Chuyên gia từ VDSC cũng cho biết, lạm phát vượt kỳ vọng trong tháng 1 là do giá năng lượng, dịch vụ đều tăng. Điều này cũng một phần khiến cho tăng lương ở mức cao. Mức tăng tiền lương nếu vượt 5-6% thì sẽ rất đến quan ngại. 

“Tôi cho rằng, mức tăng lãi suất của Fed trong tháng 3 và tháng 5 sẽ chỉ ở mức 0,25 điểm %, chứ không phải 0,5 điểm % ngay trong tháng 3. Các tín hiệu hiện nay vẫn đang theo kịch bản cơ sở chứ không phải kịch bản xấu”, bà My nói.

Đối với Việt Nam, năm 2023, nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có việc lãi suất tăng cao. Vì vậy, một trong những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giữ mặt bằng lãi suất không tăng. 

Trong trường hợp Fed tăng lãi suất vượt quá lãi suất 6% thì NHNN phải chấp nhận mức mất giá tiền đồng cao hơn khoảng 5% chứ không thể giữ ở mức 3% như thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là do NHNN còn rất ít dư địa để sử dụng dự trữ ngoại hối kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Việc nâng lãi suất điều hành để giảm áp lực cho tỷ giá cũng không khả thi khi lãi suất thực của Việt Nam đang ở mức rất cao, bà My nhìn nhận.

Hạ An