Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng mạnh hơn dự báo, chứng khoán Mỹ lao dốc
Ngày 24/2, Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (không kể giá năng lượng và thực phẩm, core PCE) tăng 0,6% trong tháng 1/2023 và cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế Phố Wall trước đó dự báo core PCE - thước đo lạm phát mà Fed ưa thích - tăng lần lượt 0,5% và 4,4%.
Nếu tính cả giá lương thực và năng lượng, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân toàn phần của tháng 1 tăng 0,6% so với tháng liền trước và 5,4% so với cùng kỳ 2022.
Nhà đầu tư lo ngại việc lạm phát vẫn cao sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục nâng lãi suất và giảm cung tiền, khiến giá cổ phiếu chịu áp lực đi xuống.
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất 500 điểm, tương đương 1,5%. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn khi có lúc sụt 1,7% và 2,1%.
Chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh giá cả lên cao, số liệu thực tế là 1,8% trong khi dự tính của các nhà kinh tế là 1,4%.
Thu nhập cá nhân tăng 1,4% so với tháng liền trước, cao hơn mức 1,2% mà Phố Wall ước tính. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng tăng, đạt 4,7%.
Theo CNBC, các số liệu kể trên đều cho thấy lạm phát đang tăng tốc trong tháng đầu năm, khiến cho Fed nhiều khả năng phải tiếp tục đi trên con đường nâng lãi suất. Kể từ tháng 3 đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa lãi suất từ 0% lên 4,5%, mức cao nhất trong 41 năm trở lại đây.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed theo dõi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân chặt chẽ hơn các thước đo khác vì chỉ số này điều chỉnh theo sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân, ví dụ như bớt mua những mặt hàng tăng giá để mua các sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn.
Fed ưu tiên số liệu lõi (core) thay vì số liệu toàn phần (headline) vì muốn loại bỏ sự biến động mạnh thất thường của giá năng lượng và lương thực. Phần lạm phát còn lại được cho là thể hiện bản chất xu hướng giá cả tốt hơn nên được coi là “lõi”.
Chỉ số PCE tháng 1 đi lên mạnh mẽ chủ yếu là do giá năng lượng tăng 2%, giá thực phẩm cũng tăng 0,4%. Giá hàng hóa và dịch vụ cùng tăng 0,6%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm đi lên 11,1% trong khi giá năng lượng thêm 9,6%.