Chuyên gia trong nước và quốc tế nói gì về đồng Libra của Facebook
Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh vừa cho ra mắt đồng tiền điện tử Libra và dự kiến giao dịch chính thức từ đầu năm 2020. Facebook kì vọng đồng tiền Libra sẽ được giao dịch trên qui mô toàn cầu giống như đồng USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)
Ngay sau khi đồng Libra được ra mắt, nó đã vấp phải sự phản đối chính trị từ các nhà quản lí trên khắp Châu Âu.
Cụ thể, phát biểu trên Đài phát thanh Pháp, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire cho rằng không nên xem Libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống.
Đồng thời, ông Bruno Le Maire cũng kêu gọi cuộc họp khẩn cấp nhóm G7 trong tháng tới nhằm nghiên cứu, đánh giá rõ hơn những tác động mà đồng tiền ảo này có thể gây ra bao gồm nguy cơ vi quyền riêng tư, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Markus Ferber - một thành viên của Nghị viện châu Âu cũng cho rằng Facebook với hơn 2 tỉ người dùng có thể trở thành một ngân hàng trong bóng tối và các nhà quản lí nên cảnh giác cao độ.
Trong khi đó, bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ cho rằng, Facebook nên tạm dừng phát triển đồng Libra cho đến khi Quốc hội và các nhà quản lí có thể xem xét kỹ lưỡng vấn đề và kêu gọi các giám đốc điều hành của công ty này trả lời trước Quốc hội.
"Facebook có dữ liệu của hàng tỉ người dùng và liên tục thể hiện sự coi thường việc bảo vệ và sử dụng cẩn thận nguồn dữ liệu này. Với việc họ có kế hoạch tạo ra một loại tiền điện tử, Facebook đang tiếp tục mở rộng hành vi không kiểm soát và phạm vi tiếp cận cuộc sống của người dùng", bà Waters nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, dù chưa có một thông tin chính thức nào từ các cơ quan có thẩm quyền tuy nhiên một số chuyên gia và lãnh đạo thuộc Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán đã có những chia sẻ đầu tiền về "cơn địa chấn của nền tài chính toàn cầu mang tên Libra".
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, cho rằng đồng Libra ra đời trên nền tảng blockchain, nhưng nó khác xa với bitcoin hay những thứ tương tự.
Ông Lê Hải Trà - Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM
Theo ông Trà, đồng Libra không phải là 1 loại tài sản số (digital asset) thuần tuý với giá trị biến đổi, mà được thiết kế để có giá trị ổn định (được đảm bảo bằng rổ tiền gửi và trái phiếu của các ngân hàng trung ương).
Bên cạnh đó, mạng giao dịch của Libra mang tính tập trung, giao dịch được chấp thuận bởi 1 nhóm các đối tác (trước mắt là Master, Visa, PayPal...) rất khác với cơ chế phi tập trung và không cần chấp thuận của Bitcoin. Cơ chế phi tập trung và không cần chấp thuận (permissionless) là đặc điểm rất quan trọng đối với đồng tiền thuật toán vì nó tránh được việc thao túng dữ liệu và kiểm duyệt.
Ông Trà cũng cho rằng sự sống còn của đồng Libra sẽ phụ thuộc vào khả năng tích hợp với hệ thống tài chính hiện tại, trong đó các cơ quan quản lí trở thành các đối tác. Trong khi đó các cơ quan quản lí lại coi đây là đối tượng cần được quản lí giám sát chặt chẽ. Điều này tạo nên sự xung đột lợi ích khiến các cơ quan quản lí không thể trở thành "đối tác" của đồng tiền này.
Chia sẻ tại bên lề hội thảo "Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh" diễn ra vào ngày 20/6, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cũng đã đưa ra nhận định về đồng Libra của Facebook.
Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
"Với 2,4 tỉ người dùng trên toàn thế giới, sự ra đời của đồng tiền Libra của Faceboook đang tạo ra thách thức rất lớn đối với NHTW các nước trong đó có cả Việt Nam.
Điều này cho thấy xu hướng các tập đoàn thương mại điện tử và công nghệ như Facebook sẽ lấn sân rất mạnh sang lĩnh vực tài chính và đe dọa hệ thống ngân hàng", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hòe, mặc dù Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lí, với hướng tiếp cận tiền ảo là tài sản ảo, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần có cách tiếp cận mới hơn.
Những đồng tiền ảo trong đó có Libra chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính nói chung và các các giao dịch tài chính nói riêng, vì vậy, các nhà lập pháp cần có tư duy mới, nghiên cứu kỹ để nắm bắt được sản phẩm và đưa ra hành lang pháp lý kịp thời, hạn chế những rủi ro do tiền ảo gây nên.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/