Chuyên gia: Quy mô gói kích thích 350.000 tỷ tương đối thận trọng, áp lực lạm phát sẽ không quá lớn
Dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường. Chương trình dự kiến sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022-2023.
Mục tiêu của chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, năm 2021 - năm đầu tiên của giai đoạn - tăng trưởng GDP là 2,58%.
Dựa trên đề xuất về gói phục hồi, trao đổi với người viết, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh, nhận định: "Quy mô của gói kích thích 350.000 tỷ của Chính phủ là tương đối thận trọng, tuy nhiên, hoàn toàn phù hợp với bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước lo ngại về rủi ro lạm phát. Vì vậy, không thể tung ra một gói có quy mô quá lớn".
Bên cạnh bối cảnh kinh tế đối mặt với rủi ro lạm phát, ông Trần Đức Anh cũng đánh giá quy mô gói kích thích phù hợp với sức bật tốt của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ V, từ mức giảm 6,02% trong quý III, GDP đã tăng trở lại 5,22% trong quý IV.
Ông dẫn chứng, ngay cả khi chưa có gói kích thích kinh tế thì nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới cũng đưa ra các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ hồi phục trong khoảng 6-7%.
Theo thống kê, một vài tổ chức đã đưa ra dự báo tương ứng với mục tiêu của Chính phủ. Chẳng hạn như Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022. Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect cũng dự báo GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.
Đánh giá sâu hơn vào cấu phần của gói 350.000 tỷ đồng, ông cho biết gói kích thích chủ yếu tập trung vào hai mảng chính.
Thứ nhất là tăng cường đầu tư công. Đây là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi ngay khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thứ hai là gói hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm các loại thuế, phí, lệ phí. Theo ông, biện pháp này là vô cùng hợp lý, sẽ đảm bảo được tính chất công bằng cho các doanh nghiệp, thay vì việc chúng ta có các gói chính sách tiền tệ về cấp bù lãi suất.
"Mặc dù về tinh thần của các giải pháp cấp bù lãi suất là rất tốt, song thực tiễn khi chúng ta áp dụng vào năm 2009-2010 thì cũng đã mang lại nhiều bất ổn, tiêu cực tới nền kinh tế", Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV nhận định.
Đánh giá cao về tinh thần thận trọng của Chính phủ khi xây dựng dự thảo gói kích thích quy mô 350.000 tỷ đồng, tuy nhiên, ông cũng gợi ý trong vòng 1-2 năm tới, khi quan sát nền kinh tế, nếu áp lực lạm phát không quá lớn thì Chính phủ hoàn toàn có thể gia tăng gói kích thích kinh tế.
"Còn tại thời điểm hiện tại, quy mô 350.000 tỷ đồng cùng cấu phần tập trung vào kích thích đầu tư công và giảm thuế phí lãi vay là hoàn toàn hợp lý", ông Trần Đức Anh nhận định.
Đánh giá về rủi ro lạm phát sau khi gói kích thích được thông qua, ông cho rằng áp lực lạm phát sẽ không quá lớn nếu so với kỳ vọng ban đầu là gói kích thích sẽ có quy mô lên tới 800.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ chủ yếu tập trung vào miễn giảm thuế, phí và đầu tư công, dòng tiền sẽ được bơm vào nền kinh tế một cách từ từ và thận trọng hơn. Chẳng hạn như đầu tư công sẽ phải giải ngân theo tiến độ, hoặc miễn giảm thuế, phí, lệ phí thì sẽ là miễn giảm cho doanh nghiệp chứ không phải bơm tiền trực tiếp.
"Với quy mô này thì chúng ta sẽ khá yên tâm về lạm phát trong năm 2022 sẽ nằm dưới mức 4% của Chính phủ", ông Trần Đức Anh đánh giá.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022-2023.
Thứ nhất, chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, chi khoảng 53.150 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thứ tư, chi khoảng 113.850 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Thứ năm, Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.