Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Nếu mở cửa từ tháng 10, tăng trưởng quý IV có thể đạt 3,5% và cả năm khoảng 2,1%
Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV & triển vọng năm 2022,
Theo ông, để có thể có được tăng trưởng trở lại trong quý IV thì phải mở cửa ngay và phải duy trì sự mở cửa đó chứ không thể quay lại giãn cách trên diện rộng như thời gian qua. "Nếu cứ mở rồi lại đóng thì ko những ko có phục hồi kinh tế mà sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh tế trong năm 2022", ông nói.
Ngoài việc mở cửa trở lại, thích ứng an toàn thì việc phục hồi kinh tế năm 2022 cần sự trợ lực từ cả hai phía và tiền tệ và tài khoá, không thể đặt gánh nặng nghiêng về một phía. Cần sự song hành giữa hai chính sách theo hướng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế thậm chí là kích cầu để có sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.
Ông cho biết điểm đáng mừng là lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu như bối cảnh hiện tại, nền tảng vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, chưa bị xói mòn bởi COVID-19.
Tính chung lạm phát chung chưa đến 2%, tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở mức 7,2% thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch mà NHNN đặt ra, cán cân thương mại quốc tế vẫn thặng dư, dòng vốn nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, tỷ giá ổn định và dưới sức ép từ Mỹ, VND còn có thể lên giá với USD.
Cùng với đó, những dư địa về chính sách để hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn khi dự trữ ngoại hối đạt trên 100 tỷ USD và chưa dùng đồng nào để hỗ trợ kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ nợ công vẫn ở mức thấp, nợ công/GDP ở mức 55,3% trong khi trần nợ công là 65% cho thấy dư địa từ phía tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định: "Nếu mở cửa và thích ứng an toàn thì đầu tháng 10 mở cửa thì đến giữa tháng 10 các doanh nghiệp có thể quay trở lại sản xuất và tăng trưởng quý IV có thể tăng 3,5% và cả năm khoảng 2,1%".
Ông cũng lưu ý rằng việc đạt được ngưỡng tăng trưởng 3,5% trong quý IV cũng là một thách thức và tăng trưởng cả năm trên 3% là rất khó. Và nếu việc mở cửa mà còn ngập ngừng thì tăng trưởng quý IV sẽ thấp hơn 2% thì GDP cả năm sẽ chỉ tăng khoảng 1%. Nếu không mở cửa được thì quý IV không có tăng trưởng, cả năm sẽ tăng trưởng âm.
Việc mở cửa trở lại cần đi kèm với các điều kiện nới lỏng để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại mà không cần các yêu cầu như 3T, việc kiểm soát dịch và quản lý rủi ro bằng cách thuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp phép.
Đồng thời, các hoạt động vận tải, logistics cần được nối lại, thông thoáng và linh hoạt. Người điều khiển xe và lao động logistics tiêm đủ liều vắc xin hoặc có kết quả âm tính trong 72h là tiêu chí an toàn thay cho cấp phép QR luồng xanh.
Theo chuyên gia, các gói hỗ trợ có triển khai lúc này thì cũng là quá muộn để có tác dụng trong năm 2021. Chính sách duy nhất mà có thể có tác dụng là mở cửa. Điều quan trọng là duy trì được ổn định vĩ mô và mở cửa an toàn, bền vững, còn doanh nghiệp và người dân phải tự xoay xở trong kịch bản này.
Đằng sau những con số sụt giảm của quý III
Phân tích kỹ hơn về những con số sụt giảm của quý III, chuyên gia nhận định những số liệu thống kê vừa qua đã cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tới nền kinh tế trong quý III. Đằng sau con số tăng trưởng GDP giảm mạnh là hiện thực về hoạt động của các ngành trong nền kinh tế không mấy tích cực.
Các ngành dịch vụ là ngành đứng trước khó khăn nhất khi đã ghi nhận suy giảm từ năm trước và giảm càng sâu rộng trong năm nay. Ngay cả khi nới lỏng giãn cách trong các tháng cuối năm thì cũng chưa có khả năng phục hồi vì những hoạt động yêu cầu phải tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người chưa thể trở lại được.
Hai ngành chiếm tỷ trọng cao trong GDP là công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại, những nhóm giảm sâu trong thời gian giãn cách quyết liệt vừa qua.
Tăng trưởng công nghiệp đã hồi phục khá mạnh sau các đợt COVID-19 trước đó, tuy nhiên đến đợt 4 vào tháng 8 và 9 thì suy giảm rất lớn. Cho dù các doanh nghiệp có thực hiện 3T hay 1 cung đường - 2 điểm đến thì cũng chỉ có khoảng 18% lao động được duy trì tại 17 KCN, khu chế xuất.
"Chi phí 3T, logistic, xét nghiệm, ăn ở bình quân trên 1 lao động lên tới 9,3 triệu đồng/người, là gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp", ông cho biết.
Tuy nhiên, với các ngành này có thuận lợi là chỉ cần nới lỏng ở mức độ nào đó thì khả năng phục hồi trở lại là đáng kể, tăng trưởng chuyển từ âm sang dương rất nhanh.
Chuyên gia lưu ý nhóm ngành mà sự suy giảm của nó là sự cảnh báo và đòi hỏi chính sách phải có sự thay đổi trong thời gian tới đây là hoạt động xây dựng. Hoạt động xây dựng đã giảm hơn 11% trong quý III do 3 yếu tố: giãn cách xã hội, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, người dân giảm và chậm giải ngân đầu tư công.
Nhu cầu đầu tư co lại trong dịch COVID-19 đã khiến ngành xây dựng đã chịu ảnh hưởng khá lớn. Đặc biệt là tiến độ đầu tư công bị chậm lại khi trong 6 tháng đầu năm Chính phủ mất một khoảng thời gian sắp xếp bộ máy mới. Thời gian giải ngân đầu tư công chậm lại ngay cả khi chưa giãn cách dẫn đến sự đi xuống của ngành này.
Chuyên gia nhận định việc nới lỏng giãn cách có thể khiến các công trình trở lại hoạt động bình thường nhưng để kích cầu cho lĩnh vực thì cần phải khởi động lại các dự án đầu tư, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cho người dân gia tăng đầu tư.
Một vấn đề nữa cũng được chuyên gia nhắc tới là việc các hoạt động nông lâm nghiệp tăng trưởng nhưng thuỷ sản lại suy giảm, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đối với lĩnh vực thuỷ sản, có thể nuôi trồng thì không ảnh hưởng quá nhiều từ giãn cách xã hội nhưng đối với các công ty chế biến thuỷ sản lại chịu tác động lớn bởi vì với đặc thù số lượng nhân công lớn, họ không thể đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" (3T) hay "một cung đường - hai điểm đến".
Ông cho rằng khả năng phục hồi của ngành thuỷ sản phụ thuộc rất lớn đến việc mở cửa trở lại bình thường, bỏ các quy định 3T khi hoạt động trở lại, đồng thời cần khơi thông vận tải, logistics.
Những kỳ vọng và điểm sáng
Trong bức tranh kinh tế ảm đạm quý III, xuất khẩu vẫn là điểm sáng đáng chú ý khi hoạt động vẫn duy trì được động lực và đà tăng trưởng cho tới thời điểm này. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu tăng 1,42% mặc dù quý III suy giảm.
Xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL ảnh hưởng nhiều do phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp thuỷ sản và các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giầy dép tại một số địa phương khác như Đồng Tháp, Cần Thơ (không áp dụng được 3T nên phải đóng cửa).
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại mới đã tạo động lực cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm ngoái sang nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc và cả EU hay Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.
Trong năm 2021, các nền kinh tế chính yếu trên thế giới đều quyết tâm duy trì mở cửa với quan điểm sống chung với COVID, do đó nếu mở cửa được thì sức cầu của thị trường đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn, vẫn mạnh. Tuy nhiên, nếu như mở cửa không bền vững thì các tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển đơn hàng sang nước khác.
Ngoài xuất khẩu, đầu tư công cũng là một trong những kỳ vọng sẽ giúp phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Năm 2020 là năm giải ngân đầu tư công thành công khi là năm cuối nhiệm kỳ. Khi dịch COVID-19 diễn ra thì Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt đó là giải ngân đầu tư công, đầu tư công năm 2020 tăng 34,5%, trong khi 9T 2021 giảm 6,9%.
"Nếu như các địa phương quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công sẽ giúp cho kinh tế địa phương và cả nước khởi sắc trở lại", ông Thành nói.