|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI tháng 9 tiếp tục thấp nhất kể từ tháng 4/2020, việc làm giảm mạnh chưa từng thấy trong 10 năm

11:07 | 01/10/2021
Chia sẻ
Tháng 9, PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chỉ đạt 40,2 điểm, tương đương tháng 8 là mức thấp nhất từ tháng 4/2020, theo IHS Markit.

Thông tin vừa được IHS Markit công bố trong báo cáo mới nhất. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt mức 40,2 điểm trong tháng 9, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã suy giảm đáng kể.

Tình trạng đóng cửa doanh nghiệp tạm thời, những khó khăn trong khâu vận tải và tình trạng thiếu hụt nhân công đã góp phần làm sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam giảm tháng thứ tư liên tiếp, và mức giảm vẫn là đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm mạnh, và mức giảm là lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

PMI tháng 9 tiếp tục thấp nhất kể từ tháng 4/2020, việc làm giảm mạnh chưa từng thấy trong 10 năm - Ảnh 1.

"Theo dữ liệu chỉ số PMI lần này, tình trạng trong những tháng gần đây của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lặp lại trong tháng 9. Các công ty tiếp tục bị hạn chế sản xuất dẫn đến việc làm giảm mạnh và lượng công việc tồn đọng tăng vọt sau giai đoạn giảm sản lượng kéo dài", Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, và mức giảm là lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Các công ty cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm mạnh hơn nhiều so với tháng 8. Việc làm đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết nhân viên của họ đã nghỉ việc do thiếu công việc, trong khi những thành viên khác giảm số lượng nhân viên do phải tạm ngừng sản xuất.

Giai đoạn giảm sản lượng và việc làm kéo dài cũng khiến lượng công việc tồn đọng tăng cao. Lượng công việc chưa thực hiện tăng lần đầu tiên trong bốn tháng, và mức tăng là mạnh nhất trong lịch sử khảo sát cho đến thời điểm này.

PMI tháng 9 tiếp tục thấp nhất kể từ tháng 4/2020, việc làm giảm mạnh chưa từng thấy trong 10 năm - Ảnh 2.

Ngoài việc giảm nhân công, các nhà sản xuất cũng giảm hoạt động mua hàng do nhu cầu sản xuất giảm. Trong khi đó, tình trạng chậm chễ của chuỗi cung ứng đã trầm trọng hơn, và thời gian giao hàng bị kéo dài ở mức kỷ lục mới tháng thứ ba liên tiếp. 

Những vấn đề của nguồn cung nguyên vật liệu đã góp phần làm giá mua hàng tiếp tục chịu áp lực tăng, trong khi có nhiều báo cáo cho thấy chi phí vận tải tăng. Kết quả là, giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh và tốc độ tăng giá nhanh hơn một chút so với tháng 8.

Mặt khác, giá bán hàng chỉ tăng nhẹ và tốc độ tăng là yếu nhất kể từ tháng 6. Các công ty cho biết nhu cầu khách hàng yếu đã khiến họ phải giảm giá để có doanh số. Sản lượng giảm đã tác động lên lượng hàng tồn kho. Tồn kho hàng mua tăng khi hàng hóa đầu vào được giữ lại thay vì đưa vào sản xuất.

Các công ty vẫn kỳ vọng sản lượng phục hồi trong năm tới, với sản lượng dự kiến tăng trong quý cuối cùng của năm 2021 nếu đại dịch được kiểm soát và các hạn chế được nới lỏng. Tâm lý kinh doanh đã tăng từ mức thấp của 15 tháng được ghi nhận trong tháng 8, nhưng vẫn còn kém.

"Ở một khía cạnh tích cực hơn, có những dấu hiệu cho thấy làn sóng gần đây của đại dịch đã đạt đỉnh và các chương trình tiêm chủng đang tiến triển tốt. Nếu số lượng các ca nhiễm tiếp tục xu hướng giảm và những hạn chế được nới lỏng, các công ty sẽ có thể có tăng trưởng trở lại trong quý cuối của năm”, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận xét.

Anh Đào