|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: “Chúng ta vẫn đang sống mà không có TPP”

06:59 | 24/11/2016
Chia sẻ
“Bây giờ chúng ta lo gì, lo không có TPP, chúng ta chắc chắn không có TPP. Tôi không nói chắc chắn là vĩnh viễn không có TPP, mà tôi nói là chắc chắn không có TPP ít nhất là trong nhiệm kỳ của Trump”, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt bình luận.
chuyen gia nguyen tran bat chung ta van dang song ma khong co tpp

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.

Dân trí đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group về số phận của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến nền kinh tế Việt Nam sau khi Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định này ngay sau khi chính thức nhậm chức.

Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố kế hoạch hành động 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, trong đó ưu tiên hàng đầu là Mỹ rút khỏi TPP. Cảm nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

-Tôi cho rằng ông Trump làm cho rất nhiều quốc gia ngạc nhiên khi thấy có một cách tiếp cận quyền lợi của nước Mỹ ngược hẳn với những gì lâu nay khu vực này được tuyên truyền.

Nhiều người cho rằng không thừa nhận TPP là một cái sai nào đó của ông Donal Trump, nhưng cá nhân tôi không nghĩ như vậy. Các nhà chính trị có những cách tiếp cận khác nhau với quyền lợi của nước Mỹ. Cách của Donald Trump ngược với những cách tuyên truyền, vận động lâu nay mà chúng ta được nghe. Sự tuyên truyền ấy kỹ đến mức làm cho chúng ta đôi lúc xem TPP như yếu tố sống còn.

Có một thời gian rất dài, nền kinh tế của chúng ta lấy xuất khẩu làm chiến lược số một, cho nên chúng ta dành nhiều sự chú ý đến khả năng xuất khẩu vào các thị trường khác và luôn luôn tìm cách liên kết Chính phủ chúng ta với các chính phủ khác để tạo ra các không gian kinh tế thiết kế bởi các chính phủ.

TPP là một không gian kinh tế mới được thiết kế bởi các chính phủ và là một liên kết có chất lượng phương Tây theo quan niệm của đảng Dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả những ứng cử viên mới của đảng Dân chủ cũng không còn quan niệm TPP như cũ. Hillary Clinton có những quan niệm khác rất xa với Obama về TPP, mập mờ hơn và không dứt khoát như Donald Trump.

Trước đây chúng ta tham gia đàm phán TPP trong không gian chính trị mà Obama là người giữ vai trò chủ chốt, nhưng bây giờ đã đến cuối nhiệm kỳ Obama rồi, trên thực tế TPP đã tiềm ẩn các nguy cơ thất bại trông thấy. Báo chí Việt Nam, người Việt Nam cần có một thái độ khách quan, biết chờ đợi, biết phân tích. Phải khách quan hơn, phải kiên nhẫn hơn, nhìn nhận quyền lợi một cách ít hấp tấp hơn.

Như ông vừa nói, TPP tiềm ẩn nguy cơ thất bại trông thấy, điều đó có nghĩa là sẽ không có một Hiệp định TPP nữa trong tương lai?

-TPP chưa chết, bởi TPP là một tư tưởng, chưa phải là một tổ chức. Nếu đã trở thành một tổ chức thì nó có thể chết, nhưng vẫn còn là tư tưởng thì nó không chết. Nó có thể được bắt đầu lại bằng hình hài của tổ chức khác. Nó có thể được “đông lạnh” để dùng cho một giai đoạn chính trị khác, ngắn hay dài thì chưa biết, nhưng tôi nghĩ độ dài, ngắn phụ thuộc vào tuổi thọ chính trị của Tổng thống Donald Trump.

Bây giờ chúng ta lo gì, lo không có TPP, chúng ta chắc chắn không có TPP. Tôi không nói chắc chắn là vĩnh viễn không có TPP, mà tôi nói là chắc chắn không có TPP ít nhất là trong nhiệm kỳ của Trump. Đấy là thời gian tối thiểu để ông ta thực hiện lời hứa chính trị không mập mờ của ông ta là lôi công việc trở lại cho nước Mỹ. Ông ta đã mặc cả với các công ty thật sự. Một người đã triển khai các tư tưởng chính trị của mình trước khi mình nhậm chức, tức là là ông ta làm việc với tư cách là một tổng thống thật sự.

Nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhất trong TPP, vì dưới góc độ kinh tế, nó giúp ta không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc?

-Trên thế giới này không một ai cho không Việt Nam cái gì, kể cả phương Tây lẫn phương Đông. Lợi ích của chúng ta nằm ở đâu đó trong vùng cân bằng của các khuynh hướng kinh tế, chính trị. TPP là một không gian kinh tế trên thực tế chưa hình thành. Chúng ta cứ tiếp tục theo dõi nó.

Trong trường hợp Mỹ không tham gia TPP nhưng các nước còn lại vẫn muốn thì điều gì sẽ xảy ra thưa ông?

-Thì giống như một con người có đầy đủ chân tay nhưng không có đầu. Nên nhớ rằng nước Mỹ là một quốc gia có năng lực làm đầu của tất cả các không gian kinh tế được thiết kế ra bởi con người. Rất ít quốc gia có năng lực như thế. TPP là một loại không gian như vậy.

Vậy theo ông nếu không có TPP thì sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam trong tương lai? Ví dụ, trước đấy chúng ta đưa ra dự báo là sẽ tăng trưởng mạnh hơn, xuất khẩu được nhiều hơn?

-Chúng ta vẫn đang sống mà không có TPP. Bây giờ chúng ta muốn biến Việt Nam thành công xưởng thay thế Trung Quốc bởi vì giá nhân công Trung Quốc bây giờ đắt rồi. Nhưng bây giờ Tổng thống đắc cử của nước Mỹ lại nói rằng đắt như giá nhân công ở Mỹ mà người Mỹ vẫn muốn đưa công xưởng trở về đất nước mình. Có nghĩa là giá nhân công ở các nước phương Tây đắt đến mức họ buộc phải di chuyển công xưởng sang Trung Quốc hay Việt Nam chỉ là một nhận thức chứ không phải là tất cả các nhận thức.

Chúng ta cần nhận thức một cách căn bản hơn. Có nước Mỹ chúng ta sẽ thuận lợi hơn, bởi vì chúng ta tiếp cận với các khuynh hướng hiện đại của nền kinh tế thế giới dễ hơn.

Tuy nhiên, không có TPP sẽ có cái khác, hội nhập là một xu thế. Dù ai quan niệm hội nhập là cái gì đi nữa thì nó vẫn là một khuynh hướng của thế giới. Quá trình diễn đạt của tổng thống Donald Trump chỉ giao động khe khẽ giữa hai khuynh hướng và cách nhau một góc rất hẹp. Ông ta không phải là người bảo hộ mà là người hội nhập với sự cảnh giác về việc mất đi những lợi ích căn bản của nền kinh tế Mỹ và người Mỹ. Ông ta nhìn thấy khoảng cách bất hợp lý giữa những lợi ích mà các nhà kinh doanh lớn của Hoa Kỳ có được với lợi ích của những người lao động bình thường.

Ông nói nhiều về góc độ chính trị nhưng tôi cũng muốn hỏi thêm về những góc độ nhỏ hơn, góc độ kinh tế, doanh nghiệp cần phải làm gì trong tương lai?

-Chúng ta cứ bình tĩnh, không có TPP cũng không ai chết cả. Người ta sẽ làm quen dần dần một thực tế là không có TPP không chết. Và cũng không có chuyện chúng ta không còn quan hệ gần gũi với người Mỹ, bởi vì người Mỹ cần chúng ta. Người Mỹ đến đây từ khi chính phủ Mỹ còn cấm vận.

Tôi nghĩ 6 tháng nữa chúng ta mới rõ được Donal Trump là ai? Sự khôn ngoan về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của ông ta sẽ được thể hiện thế nào? Sáu tháng nữa chúng ta mới có những thông tin đầu tiên. Người Việt mới chỉ có 1 - 2 tuần là đã sốt ruột, đưa ra nhiều dự đoán về ý đồ của ông ta.

Phương Dung