|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Tận dụng cơ hội thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế

20:00 | 02/03/2024
Chia sẻ
Việt Nam cần tận dụng tối đa vai trò kết nối để biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

2 tháng đầu năm, xuất siêu của cả nước đạt mức cao nhất trong 10 năm qua là điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh vai trò và vị thế của nền kinh tế nước ta trong hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới phân mảng, Việt Nam là nền kinh tế kết nối. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa vai trò kết nối để biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Để hiểu rõ hơn bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế và những giải pháp để biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hoá trong thời gian tới, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về con số xuất siêu 2 tháng đầu năm 2024 cao nhất trong 10 năm qua. Mặt tích cực ở đây là gì?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo năm 2024 kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, Đức có mức tăng trưởng chậm lại, thấp hơn so với năm trước. Căng thẳng địa chính trị và những cơn gió ngược về kinh tế, đang đe dọa thương mại toàn cầu. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới nhận định thương mại thế giới đang trải qua tình trạng bất ổn nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, xuất siêu 2 tháng đầu năm của Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, là điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh vai trò và vị thế của nền kinh tế nước ta trong hoạt động thương mại quốc tế.

Trong 2 tháng đầu năm, mặt tích cực trong kết quả hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế thể hiện ở chỗ Việt Nam đã giữ được thị trường truyền thống, quan trọng, nhiều tiềm năng và tìm kiếm được thị trường mới cho hàng xuất khẩu.

Điều này phản ánh sự năng động của doanh nghiệp trong nắm bắt tín hiệu thị trường, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới; tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán mở thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Phóng viên: Theo ông, cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay có điểm gì cần lưu ý?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Điểm nổi bật, cần lưu ý trong bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế của nước ta trong 2 tháng đầu năm đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn nhiều so với khu vực FDI; tuy vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chỉ chiếm 27,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Cùng với đó, tiếp theo thành tích và dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản và gạo tăng ở mức cao với 2 con số gấp 1,5 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 43,8%; dệt may tăng 15%; giày dép tăng 18,3%.

Bên cạnh đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 18%; trong đó, tốc độ nhập khẩu tư liệu sản xuất của khu vực kinh tế trong nước cao hơn tốc độ nhập khẩu tư liệu sản xuất của khu vực FDI phản ánh sản xuất của nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi.

Tuy vậy, hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế của Việt Nam phụ thuộc vào số ít thị trường. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 29,3 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 38,3% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm.

Điều này phản ánh hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế của nước ta dễ bị tổn thương bởi các cú sốc và những bất ổn kinh tế của các đối tác thương mại này.

Phóng viên: Vậy thách thức của xuất, nhập khẩu trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế thế giới và các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là các đối tác thương mại chủ yếu của nước ta chưa phục hồi. Kinh tế toàn cầu năm 2024 được Quỹ tiền tệ Quốc tế dự báo tăng 2,9%, thấp hơn mức tăng 3% của năm 2023.

Trong báo cáo mới gần đây, Liên Hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% năm 2023. Tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với tổng cầu và hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế toàn cầu suy giảm so với năm ngoái, đây là thách thức không nhỏ đối với xuất, nhập khẩu của kinh tế nước ta với độ mở lớn.

Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế sẽ tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu. Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển dự báo triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh.

Thêm nữa, xung đột địa chính trị, bất ổn tại biển Đỏ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thời gian vận chuyển hàng hoá kéo dài, chi phí vận chuyển và logistic tăng cao tác động khá lớn tới hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam.

Thị trường thế giới hiện nay đang ở tình thế khó khăn hơn so với hai năm trước khi giá thực phẩm, năng lượng và các nhu yếu phẩm khác tăng cao khiến túi tiền của người dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, lạm phát vẫn ở mức cao và dai dẳng gây áp lực đến quá trình phục hồi kinh tế và tổng cầu thế giới, khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và ngân hàng trung ương các nước giữ lãi suất ở mức cao, gây áp lực lên tỷ giá, tác động bất lợi đến nhập khẩu tư liệu sản xuất, ảnh hưởng đến cán cân thương mại.

Phóng viên: Thưa ông, chúng ta cần làm gì để biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hoá trong thời gian tới?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phân mảng, Việt Nam là nền kinh tế kết nối, chúng ta cần tận dụng tối đa vai trò kết nối để biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Thiết nghĩ, Chính phủ và các doanh nghiệp cần thực thi hiệu quả một số giải pháp sau:

Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt với các sản phẩm cùng loại của các nước là đối thủ cạnh tranh.

Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo các hình thức truyền thống, trực tiếp, trực tuyến, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hoá Việt. Đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động từ những cú sốc từ các thị trường này.

Tôi cho rằng, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hoá và định hình lại chuỗi cung ứng. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới.

Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hoà vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa và hiệu quả lợi thế cạnh tranh của hàng hoá Việt có được từ các hiệp định thương mại đã ký với các nền kinh tế; đồng thời, khẩn trương, nhanh nhậy nắm bắt tín hiệu thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và các cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín…

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền (Thực hiện)