|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuyên gia: 'Một năm là đủ cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xoay xở'

14:37 | 16/12/2022
Chia sẻ
Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, thời gian kéo dài thêm một năm đối với các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thoả thuận trả nợ,... là đủ để cho các doanh nghiệp xoay xở.

Bộ Tài Chính vừa đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Trong đó, 4 điểm mới được Bộ Tài chính đưa ra gồm: Giãn thời gian áp dụng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 1 năm, tức áp dụng từ 1/1/2024 mới có hiệu lực, thay vì 16/9/2022;

Giãn thời gian “yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc” thêm 1 năm, từ 16/9/2022 sang 1/1/2024 hiệu lực;

Dời thời điểm áp dụng về “thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin”, từ 16/9/2022 sang 1/1/2024.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được gia hạn thêm thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Đánh giá về dự thảo này tại Talkshow "Chọn danh mục: Chờ tín hiệu tích cực" của Báo Đầu tư, ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, Giám đốc môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, có một sự "quay xe" về chính sách.

Nguyên nhân là do thị trường tài chính đang có một cuộc khủng hoảng về thanh khoản, tương tự giai đoạn 2010-2013. Trong cuộc khủng hoảng thanh khoản này, câu chuyện quan trọng là lấy dòng tiền từ đâu khi mà TPDN bị mất niềm tin, bất động sản đóng băng, khi đó cổ phiếu là thị trường có thanh khoản nhất. Đó là nơi các doanh nghiệp lấy dòng tiền để bù đắp dòng tiền thanh toán nợ, mua lại trái phiếu,...

Do đó, thị trường cổ phiếu đã chứng kiến cuộc khủng hoảng thanh khoản mạnh nhất trong lịch sử, về quy mô thậm chí lớn hơn giai đoạn 2008-2012. 

Sau đó, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra như: Tăng bơm tiền, cung tiền, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 để giãn hơn các điều kiện cho phát hành riêng lẻ TPDN. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý đã nhận thức được việc cần có sự hỗ trợ, tiếp sức để thị trường tài chính đi qua giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản.

Nhìn xa hơn, với các số liệu vĩ mô từ xuất khẩu, tiêu dùng,...đều cho thấy đà đi xuống rất rõ. Vì vậy, ở giai đoạn này, cần phải có những động thái hỗ trợ cho nền kinh tế cũng như thị trường vốn và thị trường tài chính để bình ổn lại thị trường, tạo nền tảng tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp để thích nghi với bối cảnh hiện tại, ông Huỳnh Minh Tuấn cho hay.

Đồng thời, vị chuyên gia này đánh giá những động thái của Ngân hàng Nhà nước và dự thảo mới đưa ra của Bộ Tài chính là phù hợp trong giai đoạn hiện tại và sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực về thanh khoản cho thị trường tài chính, tiền tệ hiện tại.

Một năm là đủ để cho các doanh nghiệp xoay xở

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT (Ảnh: NVCC).

Ông Tuấn đánh giá, thời gian kéo dài thêm một năm đối với các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thoả thuận trả nợ,... là đủ để cho các doanh nghiệp xoay xở. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ thêm từ cơ quan quản lý.

Có ba nguồn vốn mà doanh nghiệp dễ tiếp cận nhất gồm: Vốn tín dụng, cổ phần và trái phiếu. Trong đó, nguồn vốn mà doanh nghiệp hướng đến nhiều nhất là vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thì doanh nghiệp cũng "dễ thở" hơn.

Bên cạnh đó, ở chính nội tại doanh nghiệp cũng cần sự thay đổi để thích nghi, phải cơ cấu lại chiến lược bán hàng bằng cách giảm giá sản phẩm để hấp thụ dòng tiền có nhu cầu thực sự.

Với các doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại, nếu bán ra quỹ đất có giá trị tới vài tỷ USD thì cũng không có doanh nghiệp nào khác có thể mua lại trừ khối ngoại, vậy thì phải hạ giá sản phẩm, "bán lỗ" để thu hút dòng tiền.

Về câu chuyện đầu tư, ông Tuấn cho rằng, thu nhập trên cổ phần EPS năm 2023 chắc chắn sẽ giảm bởi các yếu tố lãi vay tăng khiến chi phí tài chính gia tăng, chi phí cố định khó có thể giảm tiếp. Vì vậy, kỳ vọng cho nhóm cổ phiếu bất động sản thực chất là mang tính tâm lý nhiều hơn. 

Tuy nhiên, định giá của nhóm bất động sản trong giai đoạn trước dịch đã lên rất cao thì nay lại giảm mạnh, tức là những câu chuyện vừa qua đã được chiết khấu vào giá cổ phiếu, tạo cơ hội đầu tư giá trị với những tiêu chí năng lực tài chính tốt, quỹ đất sạch,... Bên cạnh đó, việc Chính phủ có động thái hỗ trợ thị trường TPDN như dự thảo Nghị định 65 sẽ liên đới đến nhóm ngân hàng và chưa kể room tín dụng bơm ra sẽ cải thiện lợi nhuận của nhóm ngân hàng.

Bốn kênh tìm kiếm nguồn vốn mới thay thế TPDN

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS. (Ảnh chụp màn hình).

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS thì đánh giá, nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 mà Bộ Tài chính trình Chính phủ được thông qua thì chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu thời gian tới, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Việc lùi thời hạn thực hiện một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm,... sẽ giúp doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu có thêm thời gian để tái cơ cấu, thoả thuận, đàm phán với trái chủ, hoán đổi tài sản từ trái phiếu sang các tài sản khác,...

Ông Kiên cũng nhấn mạnh rằng, trong năm 2022 thị trường chứng khoán và bất động sản đã diễn ra các động thái "thanh lọc" thị trường. Trong ngắn hạn, động thái này sẽ làm ảnh hưởng đến các thị trường tài chính nhưng trong trung và dài hạn sẽ giúp thị trường tốt hơn.

Như thời hạn mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo sửa đổi Nghị định 65 là một năm thì đến năm 2024, các doanh nghiệp bất động sản bắt buộc phải định nghĩa lại câu chuyện phát hành. Cùng với đó, phải tập trung tìm kiếm các nguồn vốn để thay cho TPDN.

Có 4 kênh để doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn mới nhằm thay thế cho việc phát hành TPDN ở thị trường trong nước, gồm: Bán bớt tài sản, phát hành cổ phiếu, tìm kiếm các đối tác tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp hoặc từng dự án và đẩy mạnh việc phát hành TPDN trên thị trường quốc tế.

Trong tương lai, các cơ quan quản lý phải giải ngân chặt chẽ hơn việc giải ngân của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tình hình sử dụng nguồn tiền TPDN,....

Hạ An