|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia MBS: Thị trường chứng khoán không phải đang đi xuống mà vẫn đang đi lên trong dài hạn

20:34 | 10/05/2022
Chia sẻ
Theo Kinh tế trưởng MBS, hoạt động đầu tư ngắn hạn và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn chỉ nên dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư mới nên đi theo con đường mang tính dài hạn hơn và bền vững hơn sẽ tránh được những yếu tố sốc như vừa qua.

Đánh giá về những yếu tố giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới tại Talkshow Phố Tài Chính mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) nhận định, trong năm 2022, yếu tố dòng tiền rẻ sẽ bị phai nhạt dần, nền kinh tế đã quay trở lại và tăng trưởng trở lại.

Ông cho rằng các cơ hội về kinh doanh ở các lĩnh vực khác ngoài chứng khoán sẽ tăng cao trở lại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã phải tăng lãi suất huy động, mặc dù chưa tăng trở lại mức trước dịch nhưng cũng đã tăng lên đáng kể.

Do đó, Kinh tế trưởng MBS kết luận chỉ có các yếu tố mang tính cơ bản vĩ mô và các yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho thị trường.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS). (Ảnh: Chụp màn hình sự kiện).

Bên cạnh đó, ông Hoàng Công Tuấn cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường chứng khoán về dài hạn và lưu ý các nhà đầu tư trong năm nay đầu tư phải mang tính chọn lọc hơn. Nhà đầu tư cần chọn lựa được những công ty tốt, có năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và đặc biệt là giá cổ phiếu cũng phải ở mức độ hợp lý.

Chuyên gia MBS cũng chia sẻ: "Nếu chúng ta có góc nhìn dài hạn hơn chúng ta sẽ thấy rằng là thị trường chứng khoán không phải đang đi xuống mà vẫn đang đi lên. Năm 2019, chúng ta có mốc 1.000 điểm, bây giờ chúng ta có mốc 1.370 điểm".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) cho rằng năm nay sẽ là thử thách thực sự với các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường mà chưa trải qua những đợt thị trường có những biến động khó khăn, tăng giảm mạnh. Đây cũng là thời điểm thanh lọc các nhà đầu tư có thiên hướng ngắn hạn quá.

Theo ông Trần Thăng Long, các nhà đầu tư sẽ phải bỏ nhiều công sức hơn để lựa chọn ra những doanh nghiệp đem lại tăng trưởng về mặt kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với ngành, so với thị trường chung.

Còn trên góc độ dài hạn, Giám đốc phân tích BSC đánh giá thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Ông lưu ý thay vì đầu tư thời gian ngắn hạn trong tuần, trong tháng, hãy nghĩ đến năm 2023, 2024 khi Việt Nam có cơ hội để trở thành thị trường Emerging market.

Lưu ý thêm, ông Hoàng Công Tuấn chia sẻ hoạt động đầu tư ngắn hạn và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn chỉ nên dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư mới nên đi theo con đường mang tính dài hạn hơn và bền vững hơn sẽ tránh được những yếu tố sốc như vừa rồi.

"Chúng ta thấy những mã cổ phiếu ở trong hệ sinh thái, ví dụ của FLC hay là của hệ sinh thái Louis chẳng hạn, đã giảm đến 60%, 70% so với mức đỉnh, đây là câu chuyện rất khốc liệt", ông Tuấn chia sẻ.

Quá trình tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại là quá trình bình thường hóa

Trước những thay đổi của chính sách tiền tệ, ông Hoàng Công Tuấn cho biết trong những năm 2020 và 2021, các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức lãi suất siêu thấp và bơm một lượng tiền rất lớn vào thị trường cũng như vào nền kinh tế.

Do đó, theo vị chuyên gia, quá trình tăng lãi suất hiện tại là quá trình bình thường hóa ở trong trạng thái siêu nới lỏng và trở về trạng thái bình thường, tránh việc chúng ta có tâm lý bi quan quá lớn khi cho rằng Ngân hàng Trung ương trên thế giới hoặc ở Việt Nam có sự thắt chặt tiền tệ.

 Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (bên trái), ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (bên phải). (Ảnh: Chụp màn hình sự kiện).

Đối với Mỹ hay Âu Châu, Anh Quốc hay là Hàn Quốc quá trình này là tất yếu do áp lực lạm phát của họ đang hiện nay đang cao. Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tuấn lại lạc quan hơn về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Lý giải về điều này, ông cho biết, vào thời điểm tháng 7/2021, mặc dù trước sức ép rất lớn của các đợt giãn cách xã hội và rất tổ chức tài chính thế giới khuyên nghị Việt Nam nên hạ lãi suất nhưng thời điểm đó, NHNN Việt Nam đã hết sức thận trọng và lường trước được áp lực lạm phát ở thời điểm hiện tại.

"Do đó, tại thời điểm này nền kinh tế không chịu quá nhiều áp lực về việc phải tăng lãi suất, nếu có thì có thể câu chuyện đó sẽ phải là câu chuyện của cuối năm", ông Hoàng Công Tuấn chia sẻ.

Theo quan điểm của ông Trần Thăng Long, trong suốt hai năm qua, Việt Nam có một độ trễ nhất  định trong quá trình phát triển các làn sóng COVID-19 so với các quốc gia ở phương Tây, nhất là ở Châu Âu hay ở Mỹ. Do vậy, bước sang năm 2022, Việt Nam cũng bước vào chu kỳ hồi phục kinh tế có độ trễ.

"Việt Nam đang ở một trạng thái tốt hơn so với rất nhiều các quốc gia khác. Về vấn đề chính sách tiền tệ, chúng ta vẫn đang ở trong chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp, sẽ hỗ trợ khá tốt cho thị trường", chuyên gia BSC chia sẻ thêm. 

Phương Trang